Kết cấu của cuốn sách bao gồm 3 phần: Thơ, Ký - Tạp văn, Truyện ngắn - Tiểu thuyết. Trong đó, riêng phần Thơ được biên soạn theo hai tiểu mục Thơ Trung - Cận đại và Thơ Hiện đại. Chỉ riêng giai đoạn Thơ Trung - Cận đại đã giới thiệu những thiên anh hùng ca in dấu trong dặm dài lịch sử về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như Trương Hán Siêu (? - 1354) với thể phú Bạch Đằng Giang phú; Nguyễn Trãi (1380 - 1442) với Quan duyệt thủy trận, Bạch Đằng hải khẩu; Lê Thánh Tông (1442 - 1497) - Hạ Long cảm hoài; Đào Duy Từ (1572 - 1634) - Tư Dung thắng cảnh; Nguyễn Du (1765 - 1820) Vọng Thiên Thai tự; Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) - Đảo Côn Lôn tam niên kỷ niệm thi...
Như một mạch nguồn vô tận, vùng biển đảo thiêng liêng Tổ quốc giai đoạn hiện đại lại được nối tiếp bằng những bài thơ đã nằm lòng nhiều thế hệ người đọc như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận; Thuyền và Biển - Xuân Quỳnh; Đợi mưa trên đảo sinh tồn, Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa; Thơ viết ở Biển - Hữu Thỉnh... và cả những bài thơ chỉ mới viết khoảng đôi ba năm trở lại đây như Thao thức Trường Sa của Nguyễn Thế Kỷ, Biển trong anh - Thuận Hữu...
Bên cạnh những bài thơ, tiểu mục Thơ Hiện đại còn trích đăng những trích đoạn tuyển chọn của những tập Trường ca hay tác phẩm dài hơi về biển đảo như Trường ca biển của Hữu Thỉnh, trích đoạn Mười bảy khúc đảo ca của Dương Thuấn...