Với “Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế”, tác giả đã dùng chẳng những thổ ngữ vùng cực Bắc và cực Tây Bắc Phần Lan (thổ ngữ đất Láp) mà còn trùng điệp phương ngữ của nhóm dân Koltta, các thổ ngữ Phần Lan được dùng tại Bắc Thụy Điển và Bắc Na Uy, tiếng Đức, tiếng Nga như là cách biểu hiện không khí hỗn tạp, dữ dội trong thế chiến, cũng như cảnh quan hoang sơ, khắc nghiệt. Katja Kettu không ngại nhào trộn ngôn ngữ của nhiều nhóm dân bản địa, nhiều tôn giáo và tín ngưỡng... để kiến tạo một thế giới “đa sắc, đa chiều”; để lột tả tính cách nhân vật, nhất là Mắt Dại – người đàn bà thất học sống theo bản năng mãnh liệt, thậm chí hoang dại như con thú cái.
“Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế” ra đời dựa trên bối cảnh “cũ” (thế chiến thứ hai) song vẫn nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn chương đặc sắc, với “mê cung” ngôn từ và những cao trào xếp lớp khiến người đọc cảm thấy mỗi phút lật giở trang sách đều đáng giá.