Ngày đăng bài: 21/03/2023 09:52
Lượt xem: 589
Bụi cay mắt người

     Nhiều người biết Nguyễn Văn Học qua những bài viết trên báo, với những đề tài xã hội cập thời. Tuy nhiên, văn chương dường như đã trở thành con đường “duyên nghiệp”, đã gắn với anh trước cả khi dấn thân vào nghề báo. Vì thế, Nguyễn Văn Học vẫn luôn dành thời gian cho sáng tác. Đều đặn, năm nào anh cũng ra mắt tác phẩm mới, có thể là tiểu thuyết “Hỗn danh”, “Hoa giang hồ” (2011), hay là những tập truyện ngắn. “Bụi cay mắt người” là nỗ lực duy trì một hành trình văn chương của Nguyễn Văn Học.

     “Bụi cay mắt người” chủ yếu là những đề tài  xoay quanh vấn đề xã hội, với giọng văn đôi khi riết róng, có truyện gấp gáp để theo kịp nhịp sống của nhân vật trong một số truyện. 

     18 truyện ngắn trong tập sách, là những góc nhìn, những lát cắt cuộc sống tinh tế của người viết. Truyện “Nhậu thuê” và “Mùa nhan sắc” có giọng nhiễu nhại, sâu cay viết về những cô gái nhậu thuê và những bi kịch trong đời sống, sự dằn vặt, giằng xé nội tâm để chọn lựa đồng tiền và nhân cách. Ở “Mùa nhan sắc”, tác giả còn xoáy sâu vào những mặt tối của các cô gái học nghề diễn viên với ước mơ có cuộc sống cao sang, phải “diễn” trước mặt những “đại gia” giàu có để kiếm tiền. Sau rất nhiều năm tháng chinh phục, đuổi bắt những hão huyền, nhiều cô gái đã ngộ ra rốt cuộc họ không có tài năng, mà tiềm tàng những tính toán bán thân nuôi miệng. Sau cùng, họ nhận ra chân giá trị, cuộc sống cần cả tình yêu, tình người và những điều đó giúp cho họ hoàn thiện hơn.