Ngày đăng bài: 05/11/2020 13:00
Lượt xem: 109486
Thư viện Việt Nam với cuộc Cách mạng 4.0

I. Khái niệm/định nghĩa về Cách mạng Công nghiệp 4.0

1. Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một Báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

 2. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

3. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không thực-ảo (cyber-physical system), Internet Vạn vật, điện toán đám mâyđiện toán nhận thức (cognitive computing). Công nghiệp 4.0 tạo ra những "nhà máy thông minh” (smart factory). Trong các nhà máy thông minh với cấu trúc kiểu mô-đun, hệ thống thực-ảo giám sát các quy trình thực tế, tạo ra một bản sao ảo của thế giới thực và đưa ra các quyết định phân tán. Qua Internet Vạn Vật, các hệ thống thực-ảo giao tiếp và cộng tác với nhau và với con người trong thời gian thực, và với sự hỗ trợ của Internet Dịch vụ, dịch vụ nội hàm và dịch vụ xuyên tổ chức được cung cấp cho các bên tham gia chuỗi giá trị sử dụng.

Description: http://cs2.tlu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/04/Cach-mang-cong-nghiep-4.0.png

II. Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam: cơ hội và thách thức.

A) Cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam.

 
 

Đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất giữa các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực, các hệ thống kết nối internet.

- Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và phương pháp quản trị “các nhà máy thông minh”, “công sở và thành phố thông minh” được kết nối in-tơ-nét, liên kết với nhau thành một hệ thống (thay vì các dây chuyền sản xuất và phương pháp quản trị hành chính trước đây). Nhờ khả năng kết nối bằng máy tính, các thiết bị di động tiếp cận với các cơ sở dữ liệu lớn từ nhiều nguồn, những tính năng xử lý thông tin được nhân lên nhờ những đột phá về công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu mới,…

- Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của sự lựa chọn các phương án đầu tư kinh doanh, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả, tạo bước đột phá về tốc độ phát triển, phạm vi mức độ tác động làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất và quản trị xã hội cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

- Những bước nhảy vọt của công nghệ tự động hóa có tác động đến các công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng điều khiển các phương tiện giao thông và các ngành hỗ trợ khi rô-bốt tự động hóa và trợ lý ảo trở nên phổ biến. Trên thị trường tài chính, máy tính có thể nhanh chóng đọc hàng vạn e-mail… Tất cả những dịch vụ trên đây sẽ tiết giảm đáng kể chi phí giao dịch.

b) Những thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam.

 Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, tác động tích cực trên đây, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn với Việt Nam trong quá trình phát triển, đó là:

- Tư duy quản lý & điều hành nền kinh tế vĩ mô.

- Kế hoạch hóa và minh bạch hóa trong đầu tư & chiến lược phát triển nền kinh tế.

- Xây dựng và cung ứng hạ tầng CNTT (trong điều kiện cách mạng 4.0).

- Khả năng sáng tạo & ứng dụng công nghệ mới của người Việt Nam (trong điều kiện cách mạng 4.0).

- Xây dựng nguồn lực lao động tối ưu/tối đa (đảm bảo số lượng & chất lượng) cho Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Nguy cơ giảm hàng chục vạn/hàng triệu lao động (do rôbốt và điều khiển tự động hóa thay thế hàng triệu việc làm phổ thông & tay nghề thấp).

 - Chống tham nhũng và cải cách hành chính ở Việt Nam (hiệu quả như thế nào)?

       III. Thư viện việt Nam làm gì để đáp ứng từng bước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

           1. Đánh giá sơ bộ hiện trạng thư việnViệt Nam trong điều kiện hiện nay.

          - Hệ thống văn bản pháp quy về công tác thư viện. Trong những thập kỷ qua, để đẩy nhanh tiến độ CNH-HĐH đất nước, hệ thống văn bản pháp quy (VBPQ) về công tác thư viện trong cả nước đã được Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành TW ban hành khá nhiều, tương đối cập nhật để tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thư viện. Nhiều VBPQ về công tác thư viện đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy các mặt hoạt động thư viện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ TW đến địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn còn thiếu những VBPQ quan trọng và cần thiết về thư viện, đó là Luật Thư viện; các văn bản về hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện điện tử-thư viện số, bản quyền trong lĩnh vực thư viện.... và những VBPQ chỉ đạo hoạt động thư viện chuyên ngành, đa ngành, trong đó các văn bản chỉ đạo thư viện trường đại học, cao đẳng, thư viện trường phổ thông, thư viện các viện nghiên cứu, các cơ quan, đoàn thể Trung ương v.v....chưa thực sự đầy đủ và chưa theo kịp nhu cầu phát triển đất nước. Vì thế chưa tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho mọi hoạt động thông tin-thư viện ở nước ta.

       - Cơ sở vật chất, trang thiết bị. Có thể nói, ở TW và nhiều địa phương, cơ quan thông tin-thư viện đã có trụ sở độc lập, được đầu tư khá khang trang và nhiều cơ sở vật chất khá hiện đại (hàng chục, hàng trăm tỷ đồng). Tuy nhiên ở một số nơi, công tác thư viện vẫn chưa được coi trọng, chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng. Có địa phương (trong đó có vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa), do hạn hẹp về kinh phí, nhà thư viện đã xuống cấp, trang thiết bị sơ sài, bàn ghế, giá tủ cũ kỹ, máy vi tính hỏng hóc, chưa được thay mới.

        - Kinh phí. Hiện nay việc cấp kinh phí cho hoạt động thư viện nhìn chung là tăng so với trước (khoảng 5-10%/năm). Song ở một số nơi, kinh phí mua sách báo tài liệu cho thư viện đã bị giảm đi so với trước. Có những cơ quan, địa phương hạn chế mua sách, báo tạp chí in (vì số bạn đọc đọc sách báo qua mạng ngày càng tăng). Tài liệu tham khảo, sách báo phục vụ nghiên cứu-nhất là tài liệu ngoại ngữ- ở  nhiều cơ quan thư viện càng hạn chế.

        - Nguồn nhân lực (cán bộ thư viện). Đây là vấn đề quan trọng đối với các thư viện ở Việt Nam. Bên cạnh một số cơ quan TW và địa phương đã có sự quan tâm, bổ sung đủ biên chế; cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thư viện (thạc sĩ, tiến sĩ). Vẫn còn nhiều nơi do tinh giản biên chế, nên công tác cán bộ trong thư viện vừa thiếu, vừa yếu. Bên cạnh đội ngũ cán bộ thư viện nhiệt huyết, yêu nghề, năng động, cần cù chịu khó làm việc, ở một số cơ quan thông tin-thư viện, vẫn còn tình trạng cán bộ thụ động trong công việc; ngại học tập nâng cao trình độ, ít có chí tiến thủ, có biểu hiện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

         - Ứng dụng CNTT trong tác nghiệp thư viện (xây dựng TVĐT-TVS). Trong hoạt động thư viện Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây, việc chuyển thư viện từ truyền thống sang hiện đại (ứng dụng CNTT) đã được diễn ra khá nhiều thư viện và Trung tâm TT-TV ở TW và các địa phương, tỉnh/thành phố trong cả nước. Các TVCC và hệ thống thư viện trường đại học và cao đẳng, thư viện các cơ quan TW đã bước đầu ứng dụng CNTT trong thư viện để từng bước xây dựng thư viện điện tử-thư viện số. Nhiều thư viện đã đi tiên phong, luôn đổi mới hoạt động nhằm đem lại nhiều tiện ích cho người đọc. Đặc biệt những năm qua, nhiều thư viện trong cả nước đã từng bước xây dựng TVĐT-TVS (các CSDL thư viện, với hàng vạn biểu ghi và CSDL toàn văn (có khi tới hàng chục vạn trang tư liệu); phục vụ cho công tác bạn đọc, người dùng tin. Đây là những tiến bộ rất đáng ghi nhận của hệ thống thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, có những đại phương, cơ quan,m đơn vị, do khó khăn về kinh phí, CSVC, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ thư viện... nên việc ứng dụng CNTT trong thư viện còn nhiều hạn chế (chủ yếu vẫn phục vụ đọc & mượn theo cách truyền thống).

           - Phục vụ người dùng tin, bạn đọc. ở khá nhiều thư viện TW và các địa phương thời gian qua đã có nhiều đổi mới các hình thức phục vụ bạn đọc (nên chỉ số thẻ đọc, lượt bạn đọc, lượt sách báo luân chuyển cũng đã tăng cao hằng năm, kể cả TVCC và thư viện chuyên ngành, đa ngành (trong đó có việc ứng dụng CNTT trong thư viện để tra cứu tài liệu, đọc tự chọn, đọc nghe nhìn; đọc qua mạng  v.v...). Một số thư viện trường đại học đã có sáng kiến góp tiền mua chung CSDL toàn văn nước ngoài (tạp chí khoa học...), phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, vừa tiện ích, vừa tiết kiệm kinh phí tiền bạc.

        - XHH trong hoạt động thư viện. Trong thời gian qua, nhiều cơ quan thông tin-thư viện đã tranh thủ các nguồn tài trợ to lớn của các tổ chức trong nước, quốc tế để xây dựng và phát triển thư viện Việt Nam: trong đó có Ngân hàng Thế giới, Quỹ SIDA Thụy Điển; Quỹ Bill Gates, Quỹ Châu Á, Quỹ Force và các nước CHDC Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc....và nhiều đại sứ quán ở Việt Nam (với tổng giá trị hàng chục, hằng trăm tỷ đồng/năm). Bên cạnh đó, các thư viện, tủ sách cơ sở (số lượng hàng ngàn) đã được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân; nhằm tăng cường CSVC, sách báo cho bạn đọc ở cơ sở...

         2. Đề xuất một số nội dung cơ bản về sự chuẩn bị của công tác thư viện Việt Nam trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

           Một là, đổi mới & nâng cao nhận thức, tư duy quản lý; phương thức điều hành hoạt động thư viện (điều khiển từ xa, đi chợ sách trên mạng, thanh toán qua mạng....). Như trên đã nói, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra cơ hội mới và cả thách thức to lớn đối với Việt Nam, trong đó có ngành thư viện. Vì thế, cán bộ lãnh đạo các cấp, từ TW đến địa phương và lãnh đạo TV trong cả nước cần nâng cao nhận thức và đặc biệt cần có tư duy mạnh mẽ về vấn đề này; để có thể xây dựng/tổ chức điều hành hoạt động thư viện với cách mạng 4.0. Đây là xu thế của thời đại trong thế kỷ 21 (gắn với điều khiển từ xa; chỉ đạo điều hành từ xa, thông qua công cụ cảm biến, di dộng, kỹ thuật số). Tức là Lãnh đạo thư viện ở xa cơ quan, vẫn có thể chỉ đạo hội họp-giao ban/chỉ đạo điều hành công việc cơ quan qua mạng một cách hữu hiệu; Cán bộ thư viện có thể đi chợ sách qua mạng; kế toán thư viện có thể thanh toán qua mạng v.v... nhờ kết nối các phương tiện chức năng tiện dụng-tiện ích-khả dụng).

          Hai là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin. Chúng ta biết rằng, ngay cả hiện nay, yếu tố CNTT, CSVC, trang thiết bị thư viện đã và đang là yếu tố quan trọng cho sự phát triển thư viện. Cho nên khi tiến hành cách mạng công nghiệp 4.0 với việc kết nối vạn vật, với hệ thống định vị, cảm biến-điều khiển từ xa và cả sự trợ giúp của người máy-rôbốt, thì rõ ràng công tác thư viện sẽ đòi hỏi đầu tư cao và chất lượng về hạ tầng CNTT, về cơ sở vật chất với nhiều trang thiết bị hiện đại/siêu hiện đại; giúp cho người cán bộ thư viện “làm chủ” và điều hành hiệu quả các thiết bị thông tin-thư viện...

        Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo, tập huấn cán bộ, đảm bảo số lượng-chất lượng). Đây là nhu cầu tất yếu khi cách mạng 4.0 hiện hữu ở nước ta, chi phối tất cả các lĩnh vực, trong đó có nguồn lực thông tin-thư viện. Điều này bắt buộc tất cả các bộ thư viện: từ người làm công tác quản lý, đến công tác chuyên môn đều phải học tập không ngừng để nâng cao các kỹ năng/kỹ thuật, tham gia điều khiển và vận hành công tác thư viện (trong mọi khâu, mọi quy trình, mọi dây chuyền, mọi tình huống tác nghiệp thư viện), đảm bảo trơn tru, mạch lạc, hiệu quả tốt nhất có thể. Bởi lẽ khi thư viện chúng ta chịu tác động cách mạng công nghiệp 4.0, thì lao động thủ công và lao động chân tay gần như bị triệt tiêu, thay vào đó là những công việc đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo, với sự liên kết hệ thống, có sự trợ giúp của CNTT, của điều khiển tự động và mạng Internet với cường độ cao.

         Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng TVĐT-TVS trong thư viện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, khi thư viện Việt Nam tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ thư viện truyền thống sẽ không đáp ứng được cuộc cách mạng này, thay vào đó, thư viện công cộng và thư viện chuyên ngành, đa ngành phải chủ động số hóa tài liệu, tăng cường xây dựng TVĐT-TVS với chất lượng cao, cường độ lớn, phục vụ bạn đọc, người dùng tin trong xã hội. Đây cũng là thước đo trình độ, hiệu quả của thư viện khi tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 (với nhiều tiện ích: tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách báo trên mạng; photo tài liệu qua mạng.. và nhiều tiện ích quan trọng khác.)

Năm là, đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, người dùng tin (phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0). Trong tương lai, các thư viện chúng ta phải đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc do những yêu cầu xã hội đặt ra, trong đó sẽ có nhiều hình thức mới, như: Truy cập tài liệu mở; ứng dụng công nghệ RFDI (đặt chỗ đọc tự động, mượn trả sách tự động, (đọc giả tự chọn sách và quẹt thẻ thư viện, cán bộ thư viện chỉ cần giám sát, theo dõi...); đọc đa phương tiện (multimedia), để độc giả tiếp cận với thông tin, tri thức tiện lợi, thoải mái hơn;

          Sáu là, phát huy trí sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến trong thư viện. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng mới, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, trong từng lĩnh vực sản xuất, đời sống xã hội. Nghề thư viện cũng vậy, cán bộ và lãnh đạo thư viện chúng ta cần phát huy trí sáng tạo, tính thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm; phải đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thư viện, để tăng năng xuất và hiệu quả công việc.

         Bẩy là, đẩy mạnh liên kết vùng miền, liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin trong thư viện. Đây là lĩnh vực thời gian qua các thư viện ở Việt Nam thực hiện còn yếu, do nhiều vướng mắc trong các quy định, thủ tục hành chính, hạ tầng công nghệ thông tin. Vì vậy, sắp tới, công tác này cần tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tránh lãng phí tài nguyên và nguồn lực thông tin trong các thư viện, đáp ứng nhu cầu tối đa của người dùng tin, của bạn đọc.....

        Tám là, huy động nguồn lực XHH cho thư viện. Bài học này chưabao giờ cũ, nó sẽ góp phần tạo thêm kinh phí, CSVC cho thư viện, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

        Tóm lại: Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội và thách thức cho ngành thư viện Việt Nam đổi mới và phát triển theo quỹ đạo chung của xã hội, của tiến trình lịch sử & văn minh nhân loại, để góp phần xây dựng những “thư viện thông minh” trong xã hội. Vì vậy toàn ngành Thư viện  Việt Nam phải nỗ lực đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt & toàn diện hơn, để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, nếu như không muốn tụt hậu với thời cuộc và xã hội./.

   Ths. Nguyễn Hữu Giới

 Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam

Nhận xét