Ngày đăng bài: 19/06/2019 15:26
Lượt xem: 18627
Những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ Thư viện trong giai đoạn mới
Từ lâu Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chiến lược phát triển khoa học công nghệ nói riêng là hướng vào việc tiếp cận áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, đi tắt đón đầu để bắt kịp trình độ phát triến chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đây là một chiến lược đúng đắn phù hợp với điều kiện và vị thế kinh tế của Việt Nam. Để thực hiện được điều này chúng ta đã và sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cũng như đang nắm trong tay không ít cơ hội. Trở ngại lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải chính là chất lượng nguồn nhân lực.Thực tế hiện nay bên cạnh những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn vốn tài liệu các thư viện còn thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ. Chất lượng của đội ngũ cán bộ cũng còn nhiều vấn đề cần bàn đến.

Tổ chức UNESCO đã khẳng định: “Con người đứng ở trung tâm của sự phát triển, là tác nhân và mục đích của sự phát triển”. Để thư viện hoạt động được hiệu quả và thực hiện được chức năng nhiệm vụ của mình đội ngũ cán bộ thư viện phải thực sự đủ mạnh cả về lượng và chất. Công tác thư viện nếu làm tốt, đúng nghĩa cần phải đầu tư rất nhiều thời gian công sức, kể cả trí tuệ nhất là trong giai đoạn hiện nay khi công nghệ thông tin đang có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, đây không đơn thuần chỉ là công việc bằng chân tay (chỉ đi lấy sách cho mượn hoặc nhận trả sách) mà đòi hỏi người cán bộ thư viện cần phải hướng đến tính chuyên nghiệp và tận tuỵ phục vụ bạn đọc, phải nắm bắt và hiểu được nguồn tài liệu mà họ đang quản lý, hiểu đối tượng mà họ đang phục vụ, có nghiệp vụ để xử lý theo đúng quy trình thư viện và sắp xếp quản lý thư viện khoa học, hợp lý. Những phẩm chất cần có đối với nhân viên thư viện là năng lực chọn lọc, đánh giá, xác định và kiến tạo nhu cầu tin, năng lực tư vấn và cung ứng thông tin, là chiếc cầu nối hữu hiệu để đưa nguồn tri thức đến với bạn đọc.

Gần đây một số học giả chỉ ra rằng lĩnh vực của chúng ta là trung tâm của xã hội thông tin và đóng vai trò quan trọng trong thời đại số hoá. Trong xã hội thông tin thông tin tri thức đã và đang trở thành nguồn lực và lợi thế cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới. Trước xu thế hội nhập và phát triển, khi mà công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ đòi hỏi mỗi người cán bộ phải có sự nhìn nhận tiếp cận vấn đề hết sức mới mẻ, làm sao để không bị lạc hậu lùi lại quá xa so với bạn bè đồng nghiệp trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây là điều quan trọng nhất đối với người cán bộ công chức nói chung và cán bộ thư viện nói riêng. Sự sáng tạo năng động trong công việc là yếu tố cần thiết đối với mọi con người mọi ngành nghề trong xã hội.

Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Ngày nay, người cán bộ thư viện càng phải nỗ lực để trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp bởi nghề thư viện mang trọng trách và vinh dự to lớn là được phục vụ nhân dân phục vụ xã hội. Nếu xác định đạo đức nghề nghiệp chưa đúng chưa đầy đủ thì thật khó có thể toàn tâm toàn ý phục vụ tốt cho người đọc, cho nhân dân. Người cán bộ không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà cần phải thành thạo về ứng dụng máy tính trong thư viện để từng bước hiện đại hoá trong công tác thư viện. Thực tế hiện nay đội ngũ cán bộ đáp ứng cả hai yêu cầu này đang còn rất mỏng chưa làm chủ được công nghệ, kỹ năng chuyên nghiệp yếu, thiếu tư duy sáng tạo, chưa dấn thân thật sự vào công việc, năng suất lao động thấp, quan cách trong phục vụ, thụ động trong công việc.

Thực tế cho thấy, thế hệ cán bộ thư viện được đào tạo từ mấy chục năm trước nhiều người không quen sử dụng máy tính nói chung, máy tính trong ứng dụng thư viện nói riêng, số cán bộ trẻ có năng lực hiểu biết máy tính thì đa số lại mới vào nghề kinh nghiệm chưa nhiều. Tuy nhiên có một thực tế hiện nay là không ít cán bộ công chức chỉ làm những việc mà mình được giao, không bận tâm trăn trở lắm đến nghề nghiệp, đến chuyên môn, nhiều người trong cán bộ chúng ta chưa thật mạnh dạn trong cả tư duy lẫn hành động, chúng ta còn ỷ lại trông chờ?...

Xã hội càng phát triển các thư viện ngày càng phải phục vụ nhiều và có hiệu quả hơn trong khi các nguồn lực đầu tư cả kinh phí và con người còn  hạn chế, mức độ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công cuộc hiện đại hoá sự nghiệp thư viện được đẩy mạnh đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cán bộ xuất phát từ nhu cầu thực tế đáp ứng được ngay những vấn đề mà việc chuyển đổi các thư viện truyền thống thành thư viện hiện đại đang đặt ra.

Để phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện, ngoài việc bản thân mỗi cán bộ làm công tác thư viện phải cố gắng nỗ lực cần phải có những giải pháp được thực hiện đồng bộ và triệt để: Cần phải có những hành lang pháp lý phù hợp về quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực, về chế độ đãi ngộ; Đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện của địa phương cần những người có chuyên môn nghiệp vụ thư viện và thường xuyên được đào tạo và đào tạo lại; Cần đánh giá đúng vị trí vai trò của thư viện để tạo điều kiện cho thư viện phát triển, để bố trí sắp xếp cán bộ thư viện cho phù hợp. Động viên khích lệ thường xuyên và quan tâm đúng mức đến những người âm thầm trong thư viện sẽ giúp họ vượt qua khó khăn thử thách cả những thiệt thòi về vật chất để họ có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân dân; Không thể tiếp tục duy trì đội ngũ thư viện ở các huyện theo hình thức kiêm nhiệm như hiện nay vì nếu không có những con người tâm huyết để hết trí tuệ và sức lực vào công việc thì hệ thống thư viện công cộng sẽ không thể làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Công nghệ thông tin đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của toàn xã hội mạng Internet kết nối con người khắp nơi trên trái đất và mang trong nó một lượng thông tin khổng lồ, thư viện chính là chiếc cầu nối giữa tri thức và nhân loại không thể cứ duy trì tình trạng lạc hậu như hiện nay các thư viện cần được quan tâm đầu tư đúng mức cả về trụ sở trang thiết bị, con người, các thư viện cần phải thay đổi phương thức hoạt động của mình trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin./.

Thư viện tỉnh Điện Biên