Ngày đăng bài: 10/03/2020 14:35
Lượt xem: 139106
LỖ TẤN, CHU AN, HỨA QUẢNG BÌNH VÀ THƯ VIỆN.

           Lỗ Tấn - “Chủ tướng của văn học Trung Quốc” (lời Mao Trạch Đông). Ông tên thật là Chu Thụ Nhân, sinh ngày 26/9/1881 tại phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cuộc đời văn nghiệp của ông qua các tác phẩm nổi tiếng như: Nhật ký người điên, Gào thét, đặc biệt là AQ chính truyện .... đã đưa ông lên hàng ngũ những tác gia tầm cỡ của văn đàn thế giới, sánh vai cùng V. Huygô, Ô. Banzắc, L. Tônxtôi, W. Gơtơ, U. Shếchxphia v.v... Tuy nhiên, lại ít ai biết được rằng cuộc tình duyên của ông với một trong những người phụ nữ đã gặp nhiều trắc trở, éo le. Phải chăng đó cũng là duyên phận của Lỗ Tấn – duyên phận của các bậc vĩ nhân ?

Chuyện kể rằng năm 1906 Lỗ Tấn đang học ở Nhật Bản đã phải lên đường về nước vì mẹ thúc dục quá nhiều. Hôm trước về đến nhà, hôm sau ông đã phải cưới vợ. Khi chiếc khăn trùm đầu cô dâu được mở ra, lần đầu tiên Lỗ Tấn mới được nhìn mặt người vợ yêu quí của mình. Cô dâu có sắc mặt vàng vọt, cằm nhọn, làn môi mỏng, làm cho khoé miệng như rộng ra. Vầng trán thì quá rộng trông như bị hói, người cô không những cao mà còn hơi gầy. Cô xuất thân từ một gia đình bình thường, họ Chu, tên An, cũng là người Thiệu Hưng với Lỗ Tấn. Năm đó Chu An 29 tuổi, lớn hơn Lỗ Tấn 3 tuổi.

Trong đêm tân hôn, Lỗ Tấn đã thức trắng đêm, khiến Chu An đã phải nhiều lần nhắc:  

- Đi ngủ thôi !

Lỗ Tấn không đáp lại một lời.

Đêm thứ hai, rồi đêm thứ ba, Lỗ Tấn ở lại luôn trong phòng mẹ, ngủ trên một chiếc giường ở trong đó.

Ngày thứ tư Lỗ Tấn cùng em trai là Chu Tác Nhân và mấy người bạn nữa lại lên đường sang Nhật Bản tiếp tục học hành.

Chuyến đi ấy Lỗ Tấn đi một mạch liền ba năm.

Tháng 8 năm 1909, Lỗ Tấn từ Nhật Bản trở về nước, dạy học ở Hàng Châu, rồi về Thiệu Hưng quê nhà, nhưng ông đã ở lại trường. Vì còn mẹ già nên những tối thứ bảy về nhà, ông cũng chỉ cặm cụi chữa bài cho học trò, hoặc đọc sách, soạn sách, chép lại, sắp xếp lại những thư tịch cổ... Ông cố ý không tiếp xúc với Chu An. Cũng chính thời kỳ này, Lỗ Tấn đã chỉnh lý được một số lượng lớn tư liệu tiểu thuyết cổ điển, mà sau này ông tập hợp thành tập : “Những cái móc chìm trong truyện cổ”. Quả thực cái giá phải trả cho cuốn sách này là quá lớn. Ngồi lỳ ở nhà, biên soạn bộ sách với hai tầng đau khổ, đó là nỗi đau khổ của ông và nỗi đau khổ của Chu An - vợ ông.

Đầu tháng 5 năm 1912, ông lên Bắc Kinh, công tác ở Bộ Giáo dục và kéo dài cuộc sống 14 năm tại Bắc Kinh. Sau khi tới Bắc Kinh, đời sống đã khá hơn, Lỗ Tấn đã có khả năng đón gia đình ở dưới quê lên, những ông vẫn không làm việc đó. Đêm đêm, Lỗ Tấn vẫn cô đơn ngồi ôm ngọn đèn xanh, một cuốn sách ố vàng, vùi đầu vào trong những trang thác bản, tàng thư v.v...

Trong thời kỳ đó phố Lưu Ly Xưởng (1) là nơi sớm tối ông thường đi về. Cuộc đời đã vào tuổi 40, đã có lúc Lỗ Tấn chán ngán, muốn “đi chết một mình”. Mãi cho đến nhiều năm sau, sau khi in “Nhật ký người điên”, “AQ chính truyện”, nỗi cô đơn cũng như ý nghĩa về cái chết vẫn còn quấn quýt lấy ông.

Tháng 11 năm 1919, Lỗ Tấn mua nhà rồi về Thiệu Hưng đón mẹ, vợ và gia đình hai người em lên cùng ở, nhưng ông vẫn sống ly thân với Chu An. Tính đến năm đó, Chu An đã đã người trên bốn chục tuổi, đã lấy chồng trọn vẹn được 13 năm, hưng trong 13 năm tháng ấy, đối với Chu An chỉ là một vùng hoang mạc mênh mông....

___________________________

(1) Phố Lưu Ly Xưởng ở Bắc Kinh, từ rất lâu về trước và cho đến tận bây giờ, vẫn là nơi có có nhiều hiệu sách cũ, ở đó có thể tìm mua được nhiều sách cổ, sách cũ quí giá.

 

Lỗ Tấn nuôi cả gia đình và tháng tháng ông vẫn không quên gửi tiền về chu cấp cho gia đình Chu An ở quê.

Trong thời kỳ công tác ở Bắc Kinh, Lỗ Tấn có tham gia giảng dạy văn học ở Trường đại học Bắc Kinh và cả Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Kinh. Chính tại trường Cao đẳng sư phạm này, Lỗ Tấn đã gặp và yêu một nữ sinh là Hứa Quảng Bình. Hứa Quảng Bình người Quảng Đông, trước kia tốt nghiệp Sư phạm sơ cấp, đã đi làm giáo viên tiểu học rồi sau đó thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Kinh. Trong vòng 4 tháng, Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình đã gửi cho nhau 57 lá thư tình.

 Năm 1926, Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình rời Bắc Kinh. Sau những ngày lênh đênh, thượng tuần tháng 10 năm 1927, hai người chính thức kết hôn với nhau và về sống ở Thượng Hải. Khi đó Lỗ Tấn 46 tuổi, Chu An 49 tuổi và hứa Quảng Bình mới 28 tuổi. Lễ cưới của Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình cũng thật hết sức giản dị. Sau này bà Hứa Quảng Bình có kể lại:

 

Lỗ Tấn có một ý kiến rất buồn cười về chuyện mở tiệc mời khách nhân ngày cuới. Ông nói: Con người ta làm việc gì xong, rồi mới báo cho kẻ khác biết, thí dụ: đẻ con đầy tháng mới mời khách đến uống một cốc rượu mừng, như thế là đúng. Còn như nam, nữ chưa ở chung với nhau, tại sao đã mời khách đến uống rượu cưới ? như thế có phải là hối lộ không ? Mời khách đến để họ không phản đối nữa chứ gì ?”

Kể về thời gian thì Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình chỉ sống chung với nhau vẻn vẹn có 8 năm (Lỗ Tấn mất năm 1936), song là những tháng năm tràn đầy hạnh phúc vì giữa họ có chung một chí hướng, một niềm đam mê văn chương, nhất là cả hai người đã nguyện yêu thương nhau và suốt đời chiến đấu chống các thế lực phản động - từ phong kiến cho đến bọn quân phiệt và tay sai đế quốc - đều kiên cường đấu tranh cho nền tiến bộ xã hội, đem lại hạnh phúc cho giai cấp cần lao nghèo khổ của nước Trung Hoa...

Tháng 10 năm 1936, Lỗ Tấn qua đời tại Thượng Hải. Chu An rất muốn về Thượng Hải để chịu tang Lỗ Tấn, nhưng khi đó bà mẹ Lỗ Tấn đã bát tuần, già yếu nên Chu An không đi được.

 Thư phòng, đồng thời là thư viện của Lỗ Tấn trong ngôi nhà số 21, ngõ Tây Tam Điều từ trước khi ông rời Bắc Kinh trở thành nơi đặt bàn thờ vong Lỗ tấn, Chu An chịu tang chồng tại đó.

Năm 1943, mẹ Lỗ Tấn qua đời, Chu An chỉ còn lại một thân một mình.

Sau khi Lỗ Tấn qua đời, tiền chi tiêu trong sinh hoạt của mẹ Lỗ Tấn và Chu An chủ yếu là do Hứa Quảng Bình gửi tới, cùng với tiền của Chu Tác Nhân nữa. Nhưng kể từ khi mẹ Lỗ Tấn qua đời thì bà đã từ chối khoản tiền của Chu Tác Nhân vì bà biết ông cả và ông hai nhà này không hợp nhau. Mặc dù Hứa Quảng Bình đã bằng trăm phương ngàn kế, khắc phục mọi khó khăn để gửi tiền sinh hoạt cho Chu An, song thời đó vật giá tăng như thổi, đời sống của Chu An cũng lâm vào cảnh khốn quẫn và hết sức túng bấn. Trong tình hình ngang trái, trớ trêu như vậy, bà Chu An đã cho đăng quảng cáo lên báo: Bán sách trong thư viện của nhà văn Lỗ Tấn, mà ông đã sưu tầm, lưu giữ trong nhiều năm qua. Cũng là để duy trì cho cuộc sống của bà đang quá mức khó khăn.

Khi Hứa Quảng Bình nhận được tin đó, đã tức tốc nhờ bạn bè tới gặp Chu An để bàn bạc về những cuốn sách quí đó của nhà văn Lỗ Tấn.

Người này đã nói với Chu An:

- Không nên bán sách đi như thế, mà cần phải giữ gìn thật chu đáo tất cả những di vật của Lỗ Tấn, để cho muôn đời sau.

Chu An trả lời một cách cay nghiệt:

- Quí vị luôn bảo rằng phải giữ gìn thật chu đáo mọi di vật của Lỗ Tấn, thế thì tôi cũng là di vật của Lỗ Tấn, sao quí vị không giữ gìn cho chu đáo ?

Khi người đó nhắc tới việc Hứa Quảng Bình bị bắt bớ, bị giam cầm, tra khảo vì Lỗ Tấn ở Thượng Hải, thái độ của Chu An cũng dần đổi khác. Từ đó không bao giờ Chu An nhắc tới việc bán sách của Lỗ Tấn  để duy trì cuộc sống nữa. Hơn thế bà còn xác định rằng: Bà đồng ý trao hoàn toàn quyền thừa kế mọi di vật của Lỗ Tấn cho Chu Hải Anh là con trai của Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình.

Việc Chu An túng thiếu đến tai nhiều người, và có nhiều người gửi tiền giúp đỡ bà, nhưng bà không nhận tiền của bất cứ ai.

Sáng sớm ngày 29 tháng 6 năm 1947 - trước Cách mạng Trung Quốc khoảng hai năm – Chu An qua đời. Bà đã sống ở Bắc Kinh 28 năm, hưởng thọ 69 tuổi.

Có lẽ xưa nay chưa có một cuộc “nhân duyên” nào cô độc và đau khổ như cuộc tình của Lỗ Tấn với Chu An. Tội đó thuộc về ai ? Có lẽ chẳng bao giờ tìm được tội nhân, song nỗi niềm thống khổ của một kiếp người –liên quan tới văn hào nổi tiếng thế giới là Lỗ Tấn- thì chúng ta lại thấy được quá rõ ràng./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội thư viện VN

 

 

 

 

Nhận xét