Ngày đăng bài: 10/03/2020 14:38
Lượt xem: 147536
NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA NGÀNH XUẤT BẢN VIỆT NAM CÓ THỰC SỰ TẠO HIỆU ỨNG TÍCH CỰC CHO VĂN HÓA ĐỌC ?

          1. Từ câu chuyện đường sách-phố sách...

            Như chúng ta biết, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục và đạo tạo  v.v... về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - nhất là Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”; ngành Xuất bản Việt Nam và các cơ quan hữu quan của ngành Thông tin và truyền thông từ TW đến địa phương đã có những động thái tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Trung ương về tăng cường văn hóa đọc trong cộng đồng. Điều dễ nhận thấy là đã 4 năm qua, ngành xuất bản đã có nhiều cố gắng phố hợp với các Bộ, Ban, ngành ở TW và các địa phương tổ chức Ngày sách Việt Nam (theo quyết định số 284/QQĐ- TTg 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam). Những nỗ lực, cố gắng ấy là câu chuyện có thực; mang lại hiệu quả rõ rệt, đã và đang có tác dụng  quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc ở nước ta ngày càng phát triển.

         Tuy nhiên còn một câu chuyện nữa, liên quan đến sách và văn hóa đọc ở nước ta: đó là sự ra đời và phát triển khá nhanh của những đường sách-phố sách trong những năm gần đây: Sự thực là, từ ý tưởng đến hiện thực, Đường hoa - đường sách tại TP Hồ Chí Minh đã được ra đời cách đây chưa lâu, đó là Đường hoa-đường sách Nguyễn Huệ (là tên gọi của đường Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh) khi được trang hoàng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, dành cho khách đi bộ thưởng ngoạn, bắt đầu từ Tết Giáp Thân năm 2004. Khi ấy, con đường Nguyễn Huệ - một trong những con đường đẹp nhất của Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Bến Nghé, Quận 1, nằm trải dài từ trước trụ sở UBND Thành phố và tượng đài Hồ Chí Minh đến Bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất, biến thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách tới tham quan (có năm ước tính trên 1 triệu lượt người) và trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những vị khách và đồng bào du xuân tại TP. Hồ Chí Minh.

        Hiện nay, hàng năm Triển lãm Đường hoa Nguyễn Huệ thường được tổ chức từ ngày 28 tháng Chạp đến hết mùng 4 tháng Giêng âm lịch. Bên cạnh Đường hoa là Lễ hội Đường sách cùng thời gian và địa điểm trên, trưng bày các phương tiện sách, ấn phẩm (với hàng vạn ấn sách sách báo, tạp chí đẹp và bắt mắt), với sự tham gia của nhiều nhà phát hành sách (ước tính có năm có hàng triệu người đến tham quan đường sách này và nhờ vậy doanh thu từ bán sách có năm lên tới hàng chục tỷ đồng (năm 2017 đạt doanh thu hơn 50 tỷ đồng).

       Từ kinh nghiệm Đường hoa- đường sách tại TP Hồ Chí Minh cách đây hơn 10 năm, được sự quan tâm của UBND TP. Hồ Chí Minh; sở Thông tin và Truyền thông, ngày 9/01/2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra đời Đường sách dài hơn 100 m tại Phố Nguyễn Văn Bình (Q.1-TP Hồ Chí Minh); sau đó hơn 1 năm: ngày 21/4/2017, được sự quan tâm của Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Phố sách Hà Nội cũng đã được ra đời và đi vào hoạt động (gồm hơn 10 nhà sách có uy tín tham gia). Được biết TP. Đà nẵng cũng đã có quy hoạch và đang kêu goi đầu tư-xã hội hóa để xây dựng “Vườn sách Đà Nẵng” khá đẹp (dự kiến đặt tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, ngay cạnh Trung tâm Hành chính Thành phố Đà Nẵng với quy mô quy hoạch hơn 1.900m2).

    Từ thành công tại Đường hoa-đường sách Nguyễn Huệ, đặc biệt kinh nghiệm tổ chức Đường sách-phố sách Nguyễn Văn Bình; năm 2017, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao và các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch “phủ sóng” đường sách trên toàn bộ địa bàn thành phố (tức là ở tất cả 24 quận-huyện nội, ngoại thành phố Hồ Chí Minh (Theo đó, từ nay đến 2025 mỗi quận, huyện sẽ có ít nhất một đường sách- phố sách). Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng của ngành thông tin và truyền thông nước ta...

      Điều làm chúng ta vui mừng hơn, đó là TP Hồ Chí Minh luôn năng động trong cách nghĩ, cách làm, trong thực tiễn hành động: Thêm một bằng chứng về triển khai phố sách hiện đại tại TP Hồ Chí Minh: đó là Ngày 25/1/2018 “Thành phố sách châu Âu'” tại đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM.với diện tích 3.000 m2 (với hơn 1 triệu ấn phẩm sách báo) đã được mở cửa và phục vụ người đọc-người yêu quý sách tại đây. Trên tổng diện tích hơn 3.000 m2, Ban tổ chức bài trí nhà sách theo cảm hứng từ những góc phố thu nhỏ của châu Âu. Ở từng góc, mô hình các cột đèn đường được gắn tên nhiều tác giả châu Âu nổi tiếng. Các kệ chứa ấn phẩm được phân loại phong phú về chủ đề, thể loại... kể cả nguồn lớn về sách ngoại văn. Không gian mở, thoáng với nhiều ghế ngồi được thiết kế đa dạng kiểu dáng nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách tại chỗ cho bạn đọc. Nơi đây còn dành khu vui chơi, đọc sách dành cho thiếu nhi với diện tích 500 mét vuông.

          Tuy nhiên sẽ là chưa đầy đủ về đường sách-phố sách ở nước ta, nếu không nói tới một nhà sách lớn nhất tỉnh Bình Dương rất hiện đại & tiện nghi, vừa được khai trương phục vụ khách hàng ngày 1/6/2017 (do Công ty Văn hóa Phương Nam đầu tư tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall, tỉnh Bình Dương). Phương Nam Book City có diện tích hơn 3.000m2 bao gồm nhiều tổ hợp: Khu trưng bày sách – Khu Book Cafe – Khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi - Khu giải trí đa phương tiện - Khu nghỉ ngơi sáng tạo & đọc sách. Khác với các nhà sách thông thường, Book City-Thành phố sách này có không gian nội thất sang trọng luôn thường trực trên 50 ngàn tựa sách của các nhà xuất bản trong và ngoài nước, hơn 1.500 đĩa nhạc...

    * Một vài nhận xét về đường sách-phố sách ở nước ta với việc duy trì và tôn vinh văn hóa đọc:

    Trước hết, có thể nói, sự ra đời “bùng nổ” nhiều đường sách-phố sách ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Hà Nội, Bình Dương  v.v...là biểu hiện nét đẹp văn hóa - văn hiến của người Việt Nam tôn vinh sách và tri thức - nền tảng và sức mạnh, là nguồn cội để mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, đoàn thể, nhà nước góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước. Việc ra đời và phát triển các nhà sách-phố sách-đường sách trên địa bàn cả nước đã có những tác dụng to lớn như sau:

      - Trước hết là để lan truyền và phổ biến tri thức-kiến thức trong toàn xã hội (đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành xuất bản, của công tác tư tưởng-chính trị trong bối cảnh hiện nay).

       - Thứ hai là duy trì việc kinh doanh các ấn phẩm sách báo, tạp chí trong điều kiện mà hiện nay “văn hóa nghe nhìn” đang chiến ưu thế và có phần lấn át mạnh mẽ “văn hóa đọc” và các ấn phẩm bằng giấy in (đó cũng là thách thức to lớn với ngành xuất bản và ngành thư viện).

      - Thứ ba, việc gia tăng các nhà sách, đường sách, phố sách ở nước ta vô hình chung cũng đã góp phần quảng bá sách, các ấn phẩm thông tin đến người tiêu dùng. Và hệ quả tất yếu là: đa số người tiêu dùng mua sách để đọc (chứ không hẳn họ mua sách về để trưng sách trên tủ sách, trên giá sách gia đình /hoặc để khoe với mọi người rằng mình đã có cuốn sách nọ, cuốn sách kia!).

           2. Đến câu chuyện thư viện và văn hóa đọc....

           Sự thực là, những năm gần đây, ngành thư viện Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực để chăm lo, duy trì phát triển văn hóa đọc ở nước ta - nhất là trong cơ chế thị trường; khi mà văn hóa đọc đã và đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át mạnh mẽ, tỷ lệ bạn đọc đến thư viện cũng đang giảm sút ở nhiều thư viện, không chỉ ở TW mà cả ở nhiều địa phương, tỉnh/thành phố, huyện thị và cơ sở...(Chính vì vậy, ngày 15/3/2017, Bộ VHTTDL đã trình chính phủ ban hành Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ “PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”; và trước đó đã có những chương trình phối hợp với các Bộ, ngành TW về văn hóa đọc (trong đó có Chương trình Phối hợp công tác số 122/CTPH-BVHTTDL-BGDĐT ngày 15/01/2016 giữa Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT trong việc Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện, giai đoạn 2016 - 2020” ...). Bên cạnh đó, Vụ Thư viện cũng đã tổ chức những Hội nghị-hội thảo-hội thi thư viện ở khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam; nhằm tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện; đồng thời tìm kiếm nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy văn hóa đọc và phát triển thư viện ở nước ta.

         Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên việc thúc đẩy văn hóa đọc ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xin được nêu ra một số khó khăn, bất cập chủ yếu như sau:

         - Nhận thức của đa số người dân về văn hóa đọc còn hạn chế; khá nhiều người, trừ học sinh, sinh viên, giáo viên, đội ngũ nghiên cứu do nhu cầu công việc phải học và đọc sách báo, tài liệu; còn lại khá nhiều tầng lớp nhân dân ít/ngại đọc sách báo in (trong khi họ lai thích đọc trên mạng để cập nhật thông tin).

          - Việc thông tin-tuyên truyền về văn hóa đọc trong các thư viện vẫn làm, song chưa được thường xuyên, liên tục. Cách chuyển tải thông tin tuyên truyền, nhiều nơi vẫn làm theo cách truyền thống (panô, trưng bày, giới thiệu sách báo...), mà ít chú trọng phương pháp hiện đại, ứng dụng CNTT để tuyên truyền, quảng bá sách và hình ảnh thư viện đối với bạn đọc và công chúng....

          - Mặc dù thư viện và ngành văn hóa, thể thao và du lịch chịu trách nhiệm chính về phát triển thư viện và văn hóa đọc ở nước ta, song dường như việc đầu tư của nhà nước cho ngành này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu (trong đó có cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn nhân lực....).

3. Một số đề xuất, kiến nghị.

       Từ câu chuyện sự phát triển và nhân rộng: “Đường sách-phố sách” ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; tôi xin đề nghị 2 ngành Xuất bản và Thư viện, có sự phối kết hợp, cùng thúc đẩy văn hóa đọc ở nước ta phát triển, nhằm thực hiện tốt hơn Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (tại Quyết định số 329 /QĐ-TTG ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ), cụ thể là:

     - Xây dựng Đề án/Chương trình phối hợp công tác giữa 2 ngành VHTTDL và TT&TT để tăng cường, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc (theo QĐ 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

     - Tăng cường phối hợp giữa ngành Xuất bản Việt Nam và ngành Thư viện, tổ chức các hội nghị - hội thảo để tìm giải pháp nâng cao văn hóa đọc (vì thư viện là đầu ra của ngành xuất bản).

      - Phối hợp tổ chức tốt “Ngày sách Việt Nam 21/4 hằng năm ở TW và các địa phương (với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: trưng bày, triển lãm sách, thi vẽ tranh theo sách, kể chuyện sách, nói chuyện chuyên đề, giao lưu tác giả-tác phẩm v.v...)

      - Phối hợp tuyên truyền, quảng bá sách, văn hóa đọc tại không gian phố sách-đường sách (trong đó có quảng bá văn hóa đọc và hoạt động thư viện), để thu hút nhiều bạn đọc đến thư viện.

    - Tổ chức các hoạt động giao lưu tại phố sách-đường sách (có thể sử dụng đội ngũ tình nguyện viên là các sinh viên/học sinh). Ví dụ Xuân Mậu Tuất 2018, tại Đường sách Tp.HCM diễn ra chương trình giao lưu giữa lực lượng Biệt động Sài Gòn–Gia Định–Chợ Lớn trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Đây là sự kiện nằm trong đợt hoạt động “Ký ức xuân Mậu Thân 1968” – Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do Thành Đoàn Tp.HCM & Đường Sách Tp.HCM và Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam tổ chức (từ 30/1 đến 2/2/2018).

     Tóm lại, từ câu chuyện phố sách-đường sách đang nảy nở, phát triển ở nước ta hiện nay, thiết nghĩ ngành thư viện cần làm gì/làm thế nào để phối hợp và “tận dụng“ được lợi thế-ưu thế này cho sự phát triển văn hóa đọc và phát triển thư viện ở Việt Nam (điều này cũng tránh tình trạng ngành nào biết ngành đó và thiếu sự gắn kết, phối hợp cần thiết); trong đó chúng ta cần nhớ rằng: Mối quan hệ giữa ngành Xuất bản - Phát hành sách và Thư viện đã có từ lâu, đó là mối quan hệ mật thiết, hữu cơ, gắn bó và phát triển, vì mục tiêu chung là: Sản xuất sách và cung cấp, phổ biến sách-tri thức-kiến thức trong cộng đồng-xã hội. Đó cũng là sứ mệnh lịch sử của tất cả chúng ta./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội thư viện VN

Nhận xét