Ngày đăng bài: 23/10/2019 14:45
Lượt xem: 125590
Xây dựng tủ sách đồn Biên phòng để đưa sách báo đến với biên giới, hải đảo

     Nhìn trên bản đồ Việt Nam, khu vực biên giới nước ta trải dài khắp 43 tỉnh, thành phố, với gần 8.000 km (cả trên đất liền và trên biển), gồm 184 huyện, thị, 1.042 xã, phường, thị trấn với dân số ước khoảng 6 triệu người (có 42 dân tộc anh em sinh sống và cư trú, chủ yếu là bà con các dân tộc thiểu số). Xét về mọi phương diện, địa bàn vùng cao, biên giới, hải đảo nước ta luôn giữ một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, luôn là “phên dậu” của tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

     Vì thế, nhiều năm qua, việc xây dựng đời sống văn hoá, đưa văn hoá - thông tin, tri thức về cơ sở, trong đó có phong trào đưa sách báo đến với đồng bào, chiến sĩ vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi tiền tiêu của Tổ quốc... luôn là một trong những chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm.

     Với nhận thức xây dựng tủ sách biên phòng trở thành điểm sáng văn hoá để thực hiện tốt các nhiệm vụ: Vừa xây dựng môi trường văn hoá với các mục tiêu lý tưởng của bộ đội Cụ Hồ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; vừa từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, tạo nên thói quen đọc sách báo cho đồng bào các dân tộc, để xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh. Từ năm 1993, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ; Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thực hiện việc ký kết liên ngành, nhằm đưa văn hóa-thông tin về cơ sở, nhất là ra các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn  kịp thời các tỉnh, thành ở vùng miền núi, biên giới và hải đảo triển khai tổ chức thực hiện. Với vai trò hạt nhân của phong trào, hệ thống thư viện công cộng và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh v.v.... đã cụ thể hoá kế hoạch xây dựng tủ sách các đồn biên phòng hàng năm trên địa bàn. Ngoài việc đầu tư kinh phí xây dựng vốn sách báo, mua sắm trang thiết bị thư viện, để tăng cường hỗ trợ cho các thư viện -tủ sách đồn biên phòng, các tỉnh nói trên còn làm tốt công tác xã hội hoá, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, các ban ngành, đoàn thể quần chúng như: Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp và giúp đỡ mọi mặt cho các tủ sách đồn biên phòng. Khoảng gần 20 năm trở lại đây (2000-2018), ngoài số tiền hàng tỷ đồng Nhà nước cấp (thông qua ngân sách Bộ Quốc phòng và Tổng Cục Chính trị) đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng cho sách báo và vật tư thư viện, hệ thống tủ sách đồn biên phòng ở nước ta còn nhận được sự giúp đỡ quý báu cũng như sự tham mưu tích cực của các thư viện tỉnh và Phòng VHTT cấp huyện, đặc biệt là sự đầu tư và giúp đỡ hết sức quý giá của các cơ quan Trung ương: Vụ Thư viện, Cục Xuất bản, Thư viện Quốc gia Việt Nam và một số nhà xuất bản lớn ở Trung ương.

     Nhìn lại giai đoạn khoảng hơn 2 thập kỷ qua (1993-2018), Vụ Thư viện đã tích cực tham mưu cho Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (có nhánh thư viện), mỗi năm đã cấp hàng trăm ngàn bản sách, hỗ trợ cho 400 thư viện cấp huyện có nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng “kho sách lưu động” ở 63 thư viện tỉnh, thành để luân sách sách báo về cơ sở (trong đó có địa chỉ hơn  400 thư viện, tủ sách biên phòng cả nước). Riêng Thư viện Quốc gia Việt Nam 10 năm (2000-2010), đã hỗ trợ cho các tỉnh có tủ sách đồn biên phòng ở khu vực miền núi phía Bắc gần 15.000 bản sách, Thư viện Trung ương Quân đội (thuộc Bộ Quốc phòng), ngoài nguồn kinh phí nghiệp vụ hỗ trợ thường xuyên, còn tặng và tăng cường cho các thư viện biên phòng tỉnh và các tủ sách đồn biên phòng hàng chục ngàn bản sách và nhiều giá sách. Bên cạnh đó, 10 năm qua, Thư viện Quân đội đã tổ chức được khoảng 20 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện toàn quân, trong số đó có hàng trăm cán bộ chiến sĩ làm công tác trong các thư viện-tủ sách đồn biên phòng. Cục Xuất bản (Bộ TT&TT), mỗi năm cũng đã hỗ trợ và giúp đỡ cho các thư viện, tủ sách khu vực biên giới phía Bắc nước ta hàng ngàn bản sách có giá trị. Đánh giá một cách tổng thể: Tổng số sách các cơ quan, đoàn thể và cá nhân biếu tặng cho các thư viện-tủ sách đồn biên phòng trong cả nước thời gian qua đã lên tới con số hàng trăm ngàn cuốn (trị giá hàng chục tỷ đồng). Đây là việc làm rất có ý nghĩa đối với tủ sách biên phòng.

     Đến nay hầu hết các đơn vị bộ đội biên phòng ở nước ta đã có tủ sách, thư viện. Nhiều tủ sách đồn biên phòng được đặt trong Phòng Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi Thư viện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có từ 5.000 đến 6.000 bản sách; 20-30 loại báo, tạp chí; mỗi Tủ sách đồn biên phòng đơn vị cơ sở bình quân từ 600 đến 1.500 bản sách và 8-15 loại báo, tạp chí; đặc biệt nhiều thư viện cấp tỉnh của Đội biên phòng có từ 7.000 bản sách và hàng chục loại báo chí trở lên như: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều tủ sách đồn biên phòng cơ sở có số lượng sách từ 1.500 cuốn trở lên như các đồn: Chi Ma (Lạng Sơn), Pa Thơm (Lai Châu), Na Mỡ (Thanh Hoá), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Đắc Long (Kon Tum), Bờ Y (Gia Lai), Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu), Đồn 596 và Đồn Ngư Thủy (Quảng Bình) ...

     Để góp phần cho các tủ sách đồn biên phòng hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua, không thể không nhắc đến vai trò chỉ đạo của Cục Chính trị Bộ đội biên phòng, Thư viện Trung ương Quân đội (trực thuộc Bộ Quốc phòng) và Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) trong việc luân chuyển sách báo và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thư viện của các tủ sách đồn biên phòng. Mỗi năm đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng được hướng dẫn và nâng cao nghiệp vụ thư viện. Trước đây, trên các nẻo đường biên cương, hải đảo của Tổ quốc, hình ảnh thầy giáo mang quân hàm xanh, bác sĩ mang quân hàm xanh, bây giờ lại có thêm cán bộ thư viện mang quân hàm xanh đưa sách báo, đem ánh sáng văn hoá của Đảng và chính phủ đến với chiến sĩ và bà con, đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc luân chuyển sách báo tới các tủ sách biên phòng cũng được các thư viện tỉnh, thư viện huyện trong cả nước thực hiện khá thường xuyên. 18 năm qua (2000-2018), mạng lưới thư viện công cộng cả nước đã luân chuyển, đưa sách báo được hàng chục vạn cuốn  tới các tủ sách, thư viện đồn biên phòng. Và hình ảnh cán bộ thư viện tỉnh, thư viện huyện quyên góp từng cuốn sách, tờ báo, tổ chức phân phát về các đồn biên phòng bằng mọi phương tiện, thậm chí gùi trên vai, đi bộ xuyên rừng, trèo đèo, lội suối đến các chốt tiền tiêu của Tổ quốc, đã tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc nơi biên cương. Thông qua việc đọc và làm theo sách báo, nhiều đồn biên phòng đã vận dụng vào thực tiễn nhiệm vụ, đem lại hiệu quả thiết thực, vừa góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc vững vàng trong công tác giữ gìn an ninh biên cương Tổ quốc, xây dựng khối đoàn kết quân dân, xoá mù và tái mù cho đồng bào, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

     Có thể thấy rằng những kết quả đạt được của mô hình liên kết thư viện, tủ sách đồn biên phòng trong khoảng 15 năm qua ở nước ta là rất lớn và đáng trân trọng. Tuy vậy, bên cạnh những thành công, vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đó là:

     + Mặc dù đã có sự chỉ đạo từ Trung ương, thông qua Chương trình phối hợp giữa 2 Bộ, ngành (Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ đội biên phòng), song nhìn chung sự phối hợp giữa Sở VHTTDL, Thư viện tỉnh và Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh ở một số địa phương có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ và thiếu sự năng động,sáng tạo.

     + Một số đơn vị biên phòng mới chú ý đến bề nổi, mà chưa chú ý bề sâu của công tác này. Trong khi nhu cầu hưởng thụ sách báo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc thiểu số vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa là rất lớn nhưng các đồn biên phòng hầu như không thêm có kinh phí để bổ sung sách báo mới. Nhiều đơn vị còn trông chờ, ỷ nại vào cấp trên (theo tiêu chuẩn cấp phát từ Bộ Quốc phòng, mỗi năm, mỗi đồn biên phòng chỉ nhận được mỗi năm từ 30 đến 40 cuốn sách). 

     + Việc vận động quyên góp, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể xã hội trên địa bàn, khu dân cư….ở các địa phương; chỉ đáp ứng được nhu cầu cấp thiết ban đầu, chứ không thường xuyên, lâu dài và ổn định. Mặt khác, cán bộ thư viện cấp tỉnh, nhất là thư viện huyện làm công tác xây dựng phong trào còn thiếu và yếu, nên chưa thường xuyên làm tốt nhiệm vụ luân chuyển sách báo đến các thư viện - tủ sách đồn biên phòng.

     + Yếu tố chủ quan: ở nhiều đồn biên phòng, cán bộ phụ trách tủ sách, thư viện là người kiêm nhiệm, lai thường thay đổi (do yêu cầu và nhiệm vụ), nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả và tác dụng của sách báo.

     Để đưa sách báo đến với biên giới, hải đảo, đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta không chỉ tập trung đầu tư kinh phí lớn, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tổ chức thực hiện, mà còn làm tốt công tác xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các đoàn thể cho việc xây dựng và phát triển rộng khắp mạng lưới tủ sách đồn biên phòng.

     Nhìn trên bình diện cả nước, có thể nói những gì mà chúng ta đã làm được cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc nơi tiền tiêu quả là còn khiêm tốn và chưa xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh thầm lặng và bình dị của cán bộ, chiến sĩ nơI biên cương, song có thể khẳng định rằng: Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong đó có ngành VHTTDL và Bộ đội Biên phòng (như là yếu tố hạt nhân cơ bản) đã góp phần quan trọng, làm cầu nối để xây dựng, duy trì và phát triển mô hình thư viện, tủ sách đồn biên phòng trong cả nước, góp phần to lớn vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đến vùng cao biên giới, hải đảo xa xôi, xoá dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa miền xuôi và miền núi, củng cố tình đoàn kết quân - dân, tăng cường giữ vững an ninh, chính trị - xã hội nơi biên cương của Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam

 

 

 

Nhận xét