Ngày đăng bài: 23/10/2019 10:08
Lượt xem: 123528
Quản lý nhà nước về thư viện ở Việt Nam: Nhìn từ thực tiễn cuộc sống

        Quản lý nhà nước về thư viện là một phạm trù rộng lớn, rất quan trọng; có tầm ảnh hưởng vĩ mô đối với một lĩnh vực, một ngành ở một quốc gia, dân tộc. Vì thế bàn về nội dung-nội hàm quan trọng này (trong khuôn khổ bài viết này, gói gọn trong vài ngàn từ) e rằng không khách quan, thấu đáo và khó đầy đủ. Vì vậy, với kinh nghiệm bản thân đã được tham gia công tác thư viện ở Trung ương hơn 20 năm qua; bằng hiểu biết của mình (cả về phương diện lý luận và thực tiễn), tôi chỉ xin khái quát một số nội dung lớn về quản lý nhà nước về thư viện ở Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây (và cũng chỉ xin lạm bàn xoay quanh 3 trụ cột chính: 1. Chủ thể quản lý nhà nước về thư viện; 2. Thực trạng quản lý nhà nước về thư viện gần 20 năm qua. 3. Đề xuất một số giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước về thư viện).

        1. Chủ thể quản lý nhà nước về thư viện.

          Chúng ta biết rằng, từ nhiều năm nay; Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa–Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động thư viện trên toàn lãnh thổ Việt Nam (điều này đã được ghi rõ trong Pháp lệnh Thư viện và các Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTT và Bộ VHTTDL). Để thực hiện tốt vai trò, chức năng quan trọng này, hai thập kỷ qua, nhằm thể chế hóa những quan điểm của Đảng ta (qua các kỳ Đại hội Đảng) về chính sách văn hóa nói chung – về thư viện nói riêng – Bộ chủ quản đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp quy quan trọng về lĩnh vực thư viện. Hệ thống VBPQ (nói chung là cơ chế-chính sách của Nhà nước) trong lĩnh vực thư viện đã dần được hoàn thiện. Đặc biệt năm 2000, Pháp lệnh Thư viện được ban hành (cùng với các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thông tư, Chỉ thị, Quyết định của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành Trung ương được ban hành (đến thời điểm hiện tại-năm 2017-có gần 30 VPPQ về lĩnh vực thư viện/hoặc liên quan đến quản lý nhà nước về công tác thư viện), trong đó:

         - 01 VB do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (ngày 28/12/2000): Pháp lệnh Thư viện.

      - 04 Văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/8/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện; Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 của Chính phủ Quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng...và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 184/2014/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 về Ngày sách Việt Nam; Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và một số văn bản của chính phủ khác.

        - Văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gồm 5 Quyết định và 4 Thông tư): do Bộ trưởng Bộ VHTT (Bộ VHTTDL ban hành) về công tác thư viện .

      - Văn bản của các Bộ, ngành khác ban hành có liên quan đến thư viện, gồm 15 Thông tư và các Quyết định, Chương trình phối hợp liên ngành (trong đó liên quan đến thư viện hệ thống giáo dục và đào tạo, có 01 Quyết định 13/2008/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT Ban hành quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của thư viện trường Đại học; 01 Quyết định số 01/2003/QĐ/BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông; 01 Chương trình Phối hợp công tác số 122/CTPH-BVHTTDL-BGDĐT ngày 15/01/2016 giữa Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT trong việc Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện, giai đoạn 2016 - 2020” và 04 Thông tư; Thông tư liên tịch của các Bộ có liên quan đến công tác thư viện.

      Bên cạnh đó hệ thống VBPQ về thư viện do các địa phương ban hành (chủ yếu là UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành) về công tác thư viện/liên quan đến thư viện khá nhiều: Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đã ban hành (theo thẩm quyền) 184 văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện các quy định, chính sách của Nhà nước, để chỉ đạo hoạt động thư viện ở địa phương; ban hành 14 quyết định phê duyệt quy hoạch, 33 quyết định phê duyệt đề án phát triển ngành thư viện ở địa phương. Ngoài ra, các quyết định về quy chế tổ chức, hoạt động của thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đang đi vào cuộc sống, tạo nên hành lang pháp lý khá thuận lợi cho các thư viện ở nước ta phát triển.

      Có thể nói Bộ VHTT/Bộ VHTTDL với chức năng tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện, bằng việc xây dựng cơ chế-chính sách/ và ban hành các VBPQ quan trọng (của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương) với hệ thống VBPQ nêu trên (cả ở Trung ương và địa phương), đã được triển khai vào cuộc sống, thực sự đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, thống nhất và khá thuận lợi cho hoạt động của các hệ thống thư viện Việt Nam phát triển. Các quy định hiện hành nhìn chung khá phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế, tạo nền móng cho hoạt động thư viện Việt Nam có khả năng hội nhập với hoạt động thư viện trong khu vực và thế giới; đồng thời là công cụ quan trọng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về thư viện trên lãnh thổ Việt Nam.

     2. Thực trạng quản lý nhà nước về thư viện gần 20 năm qua.

        Như trên đã nói, hệ thống VBPQ về lĩnh vực thư viện ở nước ta (do các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương ban hành; hay do chính quyền các cấp địa phương (tỉnh, huyện..) ban hành), đều nhăm mục đích chung là tạo điều kiện cho sự phát triển của các hệ thống thư viện ở Việt Nam. Nhìn trên bình diện cả nước, khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng của Nhà nước đối với lĩnh văn hóa nói chung-lĩnh thư viện nói riêng-hoạt động thư viện Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đắc lực vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Cho đến nay ở nước ta đã hình thành 2 hai loại hình thư viện cơ bản: thư viện công cộng với gần 18.000 thư viện (Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện cấp tỉnh, trên 626 thư viện cấp huyện và hàng nghìn thư viện/tủ sách cấp xã và cơ sở); thư viện chuyên ngành với gần 400 thư viện đại học và cao đẳng, 24.746 thư viện các trường phổ thông, gần 80 thư viện các bộ, ngành, các viện, trung tâm nghiên cứu...). Mặt khác, với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh văn hóa, bên cạnh các thư viện nhà nước, đã xuất hiện mô hình thư viện tư nhân, thư viện tủ sách dòng họ, gia đình, đã tham gia tích cực vào việc phục vụ đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức của cộng đồng, của toàn xã hội.   

       Vẫn biết rằng: đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về một lĩnh vực nào đó, luôn là vấn đề khó khăn; phức tạp; huống hồ về lĩnh vực thư viện ở Việt Nam (với những hệ thống/diện phủ sóng vừa nhiều, vừa rộng; lại có cả 4 cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở như trên), dù cho có những vấn đề, chúng ta có thể định lượng/định tính (hoặc cân-đo-đong-đếm được) bằng những số liệu, hoặc con số thống kê, song có những yếu tố khá trừu tượng. Cho nên, chọn một cách đánh giá khái quát hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện ở nước ta khoảng 20 năm trở lại đây (từ khi có Pháp lệnh Thư viện năm 2000), tôi chỉ xin đi vào mấy tiêu chí chủ yếu sau: (1. Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hiện đại hóa hoạt động thư viện. 2. Về tăng cường kinh phí, vốn sách báo, tài liệu cho thư viện. 3. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ thư viện. 4. Về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện...).

       1. Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hiện đại hóa cho hoạt động thư viện.  

Đây là chỉ số quan trọng và đầu tiên khi nói về hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thư viện. Bởi lẽ một trong 4 yếu tố cấu thành thư viện là trụ sở-trang thiết bị thư viện.

       Gần hai thập kỷ qua, nhất là từ khi có Pháp lệnh Thư viện (Văn bản pháp quy có tính pháp lý cao nhất ở Việt Nam hiện nay); cùng với các Nghị định của Chính phủ, các VBPQ quan trọng khác của Trung ương và địa phương đã đem lại những kết quả to lớn, rất ấn tượng cho hoạt động thư viện trong cả nước: Minh chứng là chúng ta có nhiều nhà/công trình thư viện được đầu tư xây dựng mới. Rõ ràng là với những chính sách mới về thư viện được ban hành (Pháp lệnh Thư viện) và nhiều VBPQ quan trọng của TW đã “đánh thức tư duy” của nhiều cán bộ lãnh đạo từ TW đến địa phương; để từ đó, thông qua HĐND các tỉnh/thành phố; ngân sách chi cho xây dựng và đầu tư cho thư viện, được ưu tiên/triển khai. Bằng chứng là: Các thư viện ở TW và các thư viện tỉnh, thành; thư viện các trường đại học, thư viện Bộ, ngành....đã được sự quan tâm & đầu tư về cơ sở vật chất. Ví dụ: chỉ riêng hệ thống TVCC Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, đã xây dựng mới được khoảng trên 50 % thư viện tỉnh, thành (bình quân mỗi thư viện từ 30-40 tỷ đồng, như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị; Bình Dương, Cà Mau; Bạc Liêu; có thư viện được xây dựng từ 60-80 tỷ như: Đồng Nai, Nghệ An, Đồng Tháp, Hải Dương; đặc biệt có thư viện được xây trên 100 tỷ đồng, như: Thanh Hóa, Bà rịa-Vũng tàu; Thư viện tỉnh Quảng Ninh được xây dựng khoảng 400 tỷ đồng. Nhiều thư viện & trung tâm thông tin-thư viện trường đại học lớn đã được xây dựng mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng như: Thư viện Trường đại học Bách khoa Hà Nội (200 tỷ đồng); Trung tâm thông tin-Thư viện Trường đại học Giao thông vận tải (25 tỷ đồng); Trung tâm Thông tin-Thư viện Trường Đại học Thương mại (10 tỷ đồng); đặc biệt 04 Trung tâm Học liệu ở các tỉnh, thành: Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên–Huế, Đà Nẵng (chủ yếu xây bằng nguồn vốn của tổ chức nước ngoài, trị giá mỗi trung tâm trên/dưới 100 tỷ đồng) và một số thư viện trường đại học ở Tp. Hồ Chí Minh, được xây dựng mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại (hàng chục tỷ đồng).

       Bên cạnh đó có nhiều đề án lớn của TW & các địa phương đầu tư cho hiện đại hóa thư viện, như: điện tử hóa hoạt động thư viện, cấp trang thiết bị thư viện hiện đại với nhiều tỷ VNĐ: Ví dụ Thư viện tỉnh Bà rịa-Vũng tàu (đầu tư 30 tỷ); Thư viện tỉnh Gia Lai (hơn 3 tỷ): Thư viện tỉnh Đắc Lắc (3,5 tỷ); Thư viện tỉnh Sơn La (1,8 tỷ), Thư viện tỉnh Lạng Sơn (1,5 tỷ), Bình Phước (2,2 tỷ)....Thêm vào bức tranh chung đẹp đẽ đó, ở một số tỉnh có điều kiện, như Đồng Nai, Bà rịa-Vũng tàu; Bình Dương, chính quyền địa phương cũng đã có sự ưu tiên cho xây dựng và đầu tư hiện đại hóa thư viện. Ở một số tỉnh này, nhiều thư viện cấp huyện được xây mới (có thư viện huyện được xây trên 10 tỷ đồng, được đầu tư hàng chục máy vi tính), nối mạng với thư viện tỉnh, thư viên huyện..., phục vụ cho nhu cầu bạn đọc rất hiệu quả.

       2. Về tăng cường kinh phí, vốn sách báo, tài liệu cho thư viện. 

       Song song với việc đầu tư xây dựng trụ sở các thư viện trong cả nước, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện cũng đã được biểu hiện rõ trong việc tăng kinh phí và tăng vốn sách báo, tài liệu cho thư viện.Theo thống kê các thư viện tỉnh/thành gửi về Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) hằng năm; kinh phí chi cho hoạt động thư viện ở nhiều nơi, năm sau cao hơn năm trước (bình quân từ 6 đến 10%). Một số tỉnh/thành /thư viện các trường đại học lớn đã có sự ưu tiên kinh phí để mua các “bộ sưu tập số”, hoặc ưu tiên ngân sách để “hồi cố” sách báo tài liệu thư viện, nhằm từng bước xây dựng “CSDL thư mục”; “CSDL toàn văn” trong thư viện. Bênh cạnh đó phải kể tới Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ (thông qua Bộ VHTTDL); Từ năm 1995-2015, mỗi năm trị giá hàng chục tỷ đồng, cho 63 thư viện tỉnh và gần 400 thư viện huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.. Rõ ràng là, đi liền với việc tăng ngân sách cho thư viện; vốn tài liệu, sách báo (cả tài liệu giấy và tài liệu điện tử) trong nhiều thư viện tỉnh, thư viện các trường đại học ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể; làm phong phú hơn kho tài liệu thư viện.

       3. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ thư viện.  

       Nhìn chung, nguồn nhân lực (cán bộ thư viện) cho hệ thống thư viện cả nước đã được chú trọng hơn so với trước. Nhằm đáp ứng yêu cầu về hoạt động thực tiễn phục vụ văn hoá đọc trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước (nhất là ứng dụng CNTT, từng bước xây dựng thư viện điện tử, thư viện số), nhiều thư viện đã quan tâm & nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện, trong đó có việc: không ngừng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ-vi tính, đặc biệt sử dụng phần mềm thư viện hiện đại. Được biết hàng năm, Bộ VHTTDL đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thư viện tỉnh/thư viện huyện (với số lượng hàng trăm người/năm). Bộ Quốc phòng cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ thư viện trong quân đội. Nhiều cán bộ thư viện được cử đi đào tạo ở nước ngoài/hoặc đào tạo tại các trường đại học trong nước (thạc sĩ, tiến sĩ). Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như: Quỹ Bill Gates (Hoa Kỳ); Quỹ Force (Hà Lan); Quỹ Sida (Thụy Điển) và nhiều tổ chức nước ngoài đã hỗ trợ đào tạo cho cán bộ thư viện ở Việt Nam.

       4. Về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện.

      Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTTDL & các Bộ, Ban, ngành TW, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, công tác XHH trong lĩnh vực thư viện đã đạt được nhiều thành tựu. Hệ thống VBPQ về thư viện đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác XHH. Nhờ đó, ngành thư viện từ TW tới địa phương đã huy động được các nguồn lực to lớn, hỗ trợ, quyên góp về vật chất, tinh thần cho sự phát triển thư viện Việt Nam. Bên cạnh hệ thống thư viện nhà nước (thư viện công lập), các thư viện dân lâp đã được hình thành và phát triển, đó là: Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (đến nay có gần 60 thư viện); Tủ sách dòng họ, chương trình “Sách hóa nông thôn”, Tủ sách gia đình (do ông Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, đến nay có khoảng gần 350 đơn vị). Bên cạnh đó, phải kể đến sự tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức trong & ngoài nước về sách báo, trang thiết bị cho hệ thống thư viện Việt Nam. Hàng năm Thư viện Quốc gia, 63 thư viện tỉnh đã nhận được hàng chục ngàn bản sách do Quỹ Châu Á tặng (trị giá hàng tỷ đồng) và thông qua Ngày sách VN (21/4); nhiều sách báo, trang thiết bị thư viện của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, lãnh sự quán các nước trên thế giới, hỗ trợ cho các thư viện ở nước ta.

        Hàng năm, Cục Xuất bản, Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia VN; các NXB lớn ở TW (Chính trị Quốc gia, QĐND, Phụ Nữ, Kim Đồng, NXB trẻ) đã hỗ trợ hàng vạn cuốn sách, trị giá hàng tỷ đồng cho các thư viện cơ sở. Đặc biệt từ năm 2013-2015 NXB Kim Đồng triển khai dự án tặng 1 triệu cuốn sách cho trường học vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (trị giá 2 tỷ đồng).

        Đáng chú ý là, từ năm 2011 đến 2017, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tai Việt Nam”, do Quỹ Bill & Melida Gates (Hoa Kỳ) tài trợ, tổng trị giá gần 40 triệu USD Mỹ, đã cấp khoảng 11.500 máy vi tính cho 40/63 tỉnh ở Việt Nam, Ngoài ra từ 2005 đến 2013, các tổ chức phi chính phủ của các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Thụy Điển và tổ chức Ngân hàng thế giới (WB) đã hỗ trợ, tài trợ, đầu tư cho hệ thống thư viện các trường đại học & cao đẳng ở Việt Nam với các dự án xây dựng Trung tâm Học liệu ở các tỉnh, thành: Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên–Huế, Đà Nẵng (hoặc các Dự án “Thư viện điện tử; thư viện số”; các lớp tập huấn cán bộ thư viện), trị giá các hạng mục tài trợ/hỗ trợ nói trên từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng VNĐ). Đặc biệt, để huy động mọi nguồn lực cho thư viện Việt Nam phát triển, 10 năm trở lại đây, đã có 8 thư viện tỉnh/thành (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam; Gia Lai và An Giang) được tài trợ xe ôtô thư viện lưu động (do các tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam tài trợ), mỗi chiếc xe từ 1,0 đến 1,5 tỷ đồng.

* Hạn chế, tồn tại: Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thư viện ở Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, tuy đã được hình thành, nhưng chưa có sự thống nhất & thiếu đồng bộ.

- Hầu hết VBPQ về công tác thư viện mới chỉ ở dạng văn bản dưới luật. Chưa có văn bản pháp quy quan trọng, có tầm chiến lược cho ngành (ví dụ Luật Thư việnViệt Nam), do vậy việc nâng tầm ảnh hưởng & thực thi vào cuộc sống còn có những hạn chế nhất định.

- Các VBPQ chủ yếu được ban hành cho hệ thống thư viện công cộng, văn bản về thư viện cho hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành (như thư viện giáo dục, thư viện lực lượng vũ trang, thư viện các Bộ, ngành Trung ương...), còn quá ít và thường không cập nhật, đầy đủ.

- Trong thời đại bùng nổ thông tin và ứng dụng CNTT hiện nay, các vấn đề: số hóa tài liệu, sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả ... trong hoạt động thông tin-thư viện ở Việt Nam hiện nay, còn là vấn đề chưa được sự quan tâm, điều chỉnh trong các văn bản pháp luật về thư viện?

- Có văn bản (ví dụ Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT ngày 10/8/2006 của Bộ VHTT hướng dẫn phân hạng và thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập hoạt động VHTT), đã có những ảnh hưởng không lợi cho xếp hạng thư viện trong hệ thống TVCC, không tạo nên sự đầu tư cần thiết cho các thư viện công cộng ở Việt Nam.    

- Cuối cùng, việc thực thi các văn bản pháp luật về thư viện thời gian qua còn những hạn chế nhất định: Nhiều địa phương không chú trọng xây dựng Quy hoạch chiến lược phát triển thư viện.Triển khai các VBPQ thư viện còn chậm, thiếu đồng bộ. ở 1 số nơi, nhận thức của lãnh đạo chính quyền về thư viện chưa cao, nên chưa có sự quan tâm & đầu tư đúng mức cho thư viện (nhất là ở cấp huyện và cơ sở). Bên cạnh sự hạn chế của hệ thống pháp luật về thư viện như đã phân tích ở trên, các văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật Xuất bản, Luật Giáo Dục, Luật Khoa học Công nghệ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ … đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung (hoặc ban hành mới). Do vậy, việc áp dụng các quy định có liên quan đến thư viện trong những Luật này đã không còn tương thích với những quy định trong Pháp lệnh Thư viện.

        3. Đề xuất một số giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước về thư viện.

       - Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho ngành thư viện Việt Nam (trong đó có Luật Thư viện và các văn bản dưới Luật), sẽ tạo thành một hệ thống văn bản thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện, hoàn thiện thể chế thư viện, hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

       - Nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về thư viện từ TW đến địa phương (cả về số lượng, chất lượng, cơ sở vật chất...), để các cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường công tác tổ chức và điều phối hoạt động thư viện từ Trung ương đến các địa phương.

       - Đến năm 2020, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về thư viện phải được tiêu chuẩn hoá thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước. Chỉ tuyển dụng, bổ sung cán bộ công chức làm tốt công tác quản lý thư viện theo tiêu chuẩn/tiêu chí đề ra.

       - Xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và quy chế phối hợp trong công tác quản lý giữa cơ quan quản lý Nhà nước về thư viện với các Cơ quan chủ quản của loại hình thư viện chuyên ngành, đa ngành (lưu ý tăng cường quản lý Nhà nước đối với các thư viện chuyên ngành, đa ngành-trong đó có hệ thống thư viện các trường đại học và cao đẳng). Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động thư viện, tạo điều kiện cho tất cả các loại hình thư viện ở Việt Nam phát triển theo tinh thần của Luật Thư viện.

       - Tiến hành sửa đổi những văn bản có những quy định, điều khoản không phù hợp với thực tiễn. Ban hành các văn bản mới quan trọng, cần thiết đối với sự phát triển của ngành như: Chính sách quốc gia về thư viện; Chính sách thông tin, tư liệu, KH & CN quốc gia thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc áp dụng tiêu chuẩn nhà nước về hoạt động TT-TV, Bản quyền tác giả trong hoạt động thư viện; Chuẩn hoá hoạt động nghiệp vụ thư viện toàn quốc.

       - Cần nâng cao nhận thức cho các bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo các cấp - nhất là trong việc thực thi các VBPQ về công tác thư viện từ Trung ương đến địa phương; cả ở hệ thống TVCC và hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành-sao cho việc thực thi pháp luật về thư viện phải được tiến hành nghiệm túc, trách nhiệm, hiệu quả.

       - Tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, thanh tra về hoạt động thư viện trong cả nước (có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh); đẩy mạnh XHH công tác thư viện; từng bước chuẩn hoá hoạt động nghiệp vụ thông tin-Thư viện theo tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.

       Tóm lại, chặng đường gần 2 thập kỷ qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ; công tác quản lý nhà nước về thư viện đã tạo điều kiện thuận lợi cho thư viện Việt Nam đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thư viện còn nhiều bất cập; chưa đáp ứng được yêu cầu và tình hình nhiệm vụ; đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học; người làm công tác thư viện ở Trung ương và các địa phương phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là cần có tư duy mới,  cách tiếp cận mới phù hợp với xu thế thời đại: đó là bước chuyển quan trọng, có ý nghĩa, để chúng ta tiếp cận với “thư viện và văn hóa đọc’ trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng CNTT và sự chuyển mình có tính quy luật của hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam

                                                                                           

Nhận xét