Ngày đăng bài: 24/10/2019 08:09
Lượt xem: 125158
Người cán bộ thư viện: Anh là ai?

     Trước tiên, tôi thành thực xin lỗi quí vị độc giả và các bạn đồng nghiệp thư viện trong cả nước vì một câu hỏi – 1 cái tít của bài viết – có vẻ “ngớ ngẩn” và “xưa cũ” nữa ! nhất là trên diễn đàn thông tin – thư viện của thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của nền kinh tế tri thức.

     Song theo thiển ý của tôi, đất nước ta đã có nhiều thay đổi và đồng hành cùng với sự thay đổi lớn lao ấy, sự nghiệp thư viện Việt Nam cũng đã có nhiều biến chuyển lớn lao: Thời cơ và thuận lợi thì có nhiều, song thách thức cũng không phải là ít – nhất là chúng ta đã và đang bước vào thời kỳ hội nhập một cách toàn diện và mạnh mẽ& sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế.

     Xác định rõ trách nhiệm ấy, khó khăn và những thử thách to lớn ấy, chúng ta sẽ cùng nhau ý thức đầy đủ hơn, trau dồi chuyên môn cùng đạo dức nghề nghiệp tốt hơn, để cùng gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng- văn hoá của Đảng.

     Ngược dòng thời gian lịch sử, nhớ lại thời kỳ còn bao cấp, ngày ấy đất nước đang còn chiến tranh, nhân dân ta còn nghèo, ngành thư viện và người cán bộ thư viện cũng lắm gian nan. Song vượt lên trên mọi khó khăn và thiếu thốn, người cán bộ thư viện với sự nhiệt tình và đam mê nghề nghiệp, đã biết phát huy trí tuệ, đoàn kết, khiêm tốn học hỏi, đưa tri thức và ánh sáng văn hoá của Đảng tới khắp mọi miền của Tổ quốc. Khẩu hiệu “sách đi tìm người ” cùng với phương châm “đọc và làm theo sách báo” là một trong những minh chứng hùng hồn nhất trong phong trào thư viện những năm tháng đẹp đẽ và hào hùng ấy. Cũng trong bối cảnh ấy, người cán bộ thư viện chúng ta không chỉ là những thủ thư, những người coi giữ kho sách báo một cách thuần tuý, thụ động. Và không chỉ phục vụ bạn đọc trong khuôn viên thư viện, trong 4 bức tường chật hẹp, mà họ còn biết vươn ra xa hơn, rộng hơn tới bạn đọc ở khắp mọi miền bằng những hình thức phục vụ cơ động, linh hoạt, phong phú và rất có hiệu quả: xe thư viện lưu động, thư viện chi nhánh, luân chuyển sách báo tới các trạm sách và nhiều ấn phẩm thư mục chuyên đề, hoặc tổ chức các cuộc thi đọc sách, thi tìm hiểu qua sách báo, tuyên truyền, giới thiệu sách; hay tổ chức triển lãm sách báo  v.v...

Cán bộ thư viện tỉnh Điện biên phục vụ triển lãm sách,báo

chào mừng các ngày lễ lớn trong tỉnh

     Điều đáng trân trọng và rất đáng quí là trong những năm tháng ấy - cả trong chiến tranh hay sau khi đã hoà bình, thống nhất đất nước – là người cán bộ thư viện của chúng ta đã luôn luôn có gắng học hỏi, trau dồi đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp và chuyên môn, mong sao đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ công tác trong mọi hoàn cảnh. Với những lớp học tại chức hay chính quy, lớp tập huấn ngắn hạn hay dài hạn, lớp học chuyên môn hay là lý luận chính trị, kể cả các lớp họp buổi tối, lớp học ngoại ngữ v.v. và v.v... đã tôi luyện và từng bước nâng cao thêm kiến thức và hiểu biết cho đông đảo đội ngũ cán bộ thư viện của chúng ta.

     Thời kỳ ấy đã qua đi, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Từ bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, ngành thư viện của chúng ta cũng đứng trước bao thử thách và đã có thời kỳ lao đao, xuống sức (thập kỷ 90 của thế kỷ XX). Rất mừng là được sự quan tâm và đầu tư kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp thư viện của chúng ta đã đứng vững và có bước phát triển đi lên. Nhiều hoạt động thư viện đang dần khởi sắc và đạt được những hiệu quả đáng khích lệ.

     Tuy vậy nhìn trên bình diện lý luận cũng như thực tiễn, hoạt động thư viện hôm nay - trước xu thế hội nhập và phát triển, khi mà CNTT đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong thư viện – cũng đã có nhiều thay đổi (cùng với sự ra đời của “Thư viện điện tử”; “thư viện số”; “thư viện ảo”...); đòi hỏi mỗi thư viện, mỗi người cán bộ thư viện phải có một sự nhìn nhận, tiếp cận vấn đề hết sức mới mẻ, để sao cho chúng ta không bị lạc hậu / hay tụt hậu quá xa so với bạn bè đồng nghiệp trong khu vực cũng như trên thế giới. Vậy trong điều kiện ứng dụng CNTT, trong tiến trình hiện đại hoá công tác thư viện, người cán bộ thư viện cần những phẩm chất và năng lực gì, những điều kiện và yếu tố nào ? và chúng ta cần phải không ngừng hoàn thiện mình ra sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ ?Xin được mạo muội đưa ra một số suy nghĩ về vấn đề này như sau:

1./ Về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn.

     Đây là điều quan trọng bậc nhất đối với mọi người cán bộ, kể cả cán bộ thư viện. Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Ngày nay người cán bộ thư viện của chúng ta càng cần phải nỗ lực cố gắng để trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp (xin được nhấn mạnh chữ đạo đức nghề nghiệp chứ không phải là đạo đức chung chung), bởi chưng nghề thư viện cũng mang trọng trách và vinh dự to lớn là được phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Nên nếu ai đó xác định đạo đức nghề nghiệp chưa đúng, chưa đầy đủ, thì thật khó có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ tốt cho người đọc, cho nhân dân.

Thư viện tỉnh Điện Biên tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm tổng thể Kipos (năm 2019)

     Về năng lực chuyên môn, thiết tưởng chẳng cần bàn luận gì nhiều. Tuy nhiên có thể ai cũng biết rằng thời đại hiện nay, người cán bộ thư viện không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ theo cách hiểu truyền thống, mà cần thiết hơn là còn phải thành thạo về ứng dụng máy tính trong thư viện, để từng bước hiện đại hoá công tác thư viện. Thế nhưng trong thực tế đội ngũ cán bộ thư viện và chuyên gia đáp ứng cả hai yêu cầu này ở nhiều nơi đang còn rất mỏng; và thực sựchưa đáp ứng nhu cầu công việc và chuyên môn- nếu không muốn nói là rất thiếu và yếu. Thực tế cũng đã cho thấy ở nhiều thư viện cấp tỉnh, số cán bộ thư viện thế hệ 5X, 6X ... được đào tạo từ mấy chục năm về trước, nhiều người không dành máy vi tính nói chung - máy tính trong ứng dụng thư viện nói riêng - nên rất khó nói đến chuyện ứng dụng CNTT cho thư viện. Số cán bộ trẻ có năng lực, hiểu biết máy tính thì đa số lại mới vào nghề, kinh nghiệm chưa có nhiều. Vấn đề cốt yếu để đẩy nhanh hiện đại hoá thư viện là đòi hỏi người cán bộ thư viện của chúng ta phải am tường, phải có những kiến thức vững vàng và khả năng thực hành về các lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng CNTT, công nghệ viễn thông, xuất bản điện tử, xây dựng CSDL trên mạng hoặc trên đĩa CD-ROM và các nguồn tin điện tử khác, am hiểu các loại hình thư viện hiện đại, biết phân tích chi phí và lợi ích, tra cứu mục lục; phục vụ qua mạng hoặc liên thông thư viện...... Nói tóm lại là phải có đầu óc, hiểu biết, nắm vững và thao tác thành thục chuyên môn nghiệp vụ thư viện và ứng dụng CNTT trong tác nghiệp thư viện hiện đại.

2./ Về trình độ ngoại ngữ.

     Trong một thế giới mở - nhất là trong xu thế hội nhập và phát triển như ngày nay - ngoại ngữ có một vai trò vô cùng quan trọng trong giao tiếp và làm việc. Người cán bộ thư viện của chúng ta làm việc với tri thức và sách báo, nơi có nhiều bạn đọc là người nước ngoài, hoặc đơn giản là đôi khi chúng ta phải xử lý các thông tin, tài liệu bằng tiếng nước ngoài, cho nên biết và sử dụng thành thạo (chứ không chỉ biết một cách hời hợt /hoặc có bằng cấp, có chứng chỉ nhưng không sử dụng được ???) một hoặc 2-3 ngoại ngữ thông dụng quốc tế là một yêu cầu cấp bách trong ngành thư viện hiện nay (nhất là trong hệ thống TVCC). Tôi đã từng chứng kiến có trường hợp Trung ương cần tuyển vài cán bộ đi đào tạo, tập huấn ở nước ngoài về thông tin - thư viện, thì hầu hết các ứng viên đáp ứng tốt phần chuyên môn thư viện, đến phần ngoại ngữ thì quả là khó khăn. Nhiều cán bộ thư viện tỉnh, thành phố của ta không qua được vòng loại này. Đây cũng là một hiện thực đáng báo động về trình độ ngoại ngữ của đa số cán bộ thư viện trong hệ thống TVCC ở Việt Nam. Mặt khác khi chúng ta giao diện với máy vi tính, nhiều phần mềm quản trị không cài tiếng Việt, do đó bắt buộc cán bộ của thư viện phải có kiến thức về tiếng Anh thì mới thao tác và xử lý tài liệu được.

3./ Khả năng tự học, tự trau dồi tri thức.

     Nói về khả năng tự học và tự trau dồi tri thức để thành tài năng, giúp ích lớn lao cho cộng đồng và cho xã hội, chúng ta có nhiều tấm gương sáng trong lịch sử như các nhà văn hoá lớn ở nước ta trong thế kỷ 20: Nguyễn Hiến Lê, Phan Ngọc, Hữu Ngọc, Trần Quốc Vượng v.v... Ngành thư viện của chúng ta gần gũi với tri thức và sách vở, nếu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm chúng ta không đọc, không tự học (cả về chuyên môn nghiệp vụ, về ngoại ngữ, về văn hoá, tri thức nói chung) thì kiến thức của chúng ta sẽ dần mai một, chuyên môn của chúng ta sẽ ngày một lạc hậu. Bởi lẽ trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng, mạnh mẽ, đọc và tự học/học tập suốt đời-“chìa khóa của thành công”, cũng là cách để người cán bộ thư viện chúng ta cập nhật thông tin, cập nhật cái mới, cập nhật về chuyên môn trong, ngoài nước, để chúng ta không ngừng vươn lên hoàn thiện mình.

4./ Lòng yêu nghề và tính năng động, sáng tạo trong công việc.

     Nói tới lòng yêu nghề/ đam mê nghề nghiệp là nói tới một phạm trù khá “tế nhị” và hẳn sẽ có không ít ý kiến phản bác: Chưa chắc anh /hoặc chị đã yêu nghề hơn tôi ! Tuy nhiên, có một thực tế là, chúng ta có không ít cán bộ, công chức “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, chỉ làm việc và những gì mà mình được giao, không bận tâm và trăn trở lắm đến nghề nghiệp, đến chuyên môn, ít có chí tiến thủ. Nói về điều này, tôi bỗng nhớ lại thời kỳ trước cách đây vài thập kỷ, có nhiều người là công chức lưu dung từ thời thuộc Pháp, hoặc nhiều cán bộ thư viện thời kỳ chống Mỹ, tuy trình độ có hạn, chuyên môn có hạn song nhiệt huyết với nghề thư viện ở họ thì thật tuyệt vời. Và những tấm gương sống chết, gắn bó với nghề /với nghiệp cùng những lao động sáng tạo, sáng kiến, đóng góp của họ mãi vẫn là một bài học quí báu với chúng ta. Chỉ tiếc là dường như nhiệt huyết với nghề ấy chưa được trao truyền một cách đầy đủ và trọn vẹn cho các thế hệ cán bộ ngày hôm nay?

     Cán bộ thư viện tỉnh Điện Biên phục vụ lưu động, luân chuyển sách, báo đến các Đồn biên phòng 

     Nói về sự sáng tạo, năng động trong công việc. Đây có lẽ là một yếu tố quan trọng và cần thiết đối với mọi con người, mọi ngành nghề trong xã hội. Tuy nhiên, phải chăng nghề của chúng ta là một nghề ít được xã hội chú ý tới? Và có phải chăng cán bộ của chúng ta sống trong “bao cấp” quen rồi, lâu rồi, giờ đây bước sang kinh tế thị trường thì tính năng động còn yếu? Tôi hẳn không nghĩ thế. Tôi cho rằng từ trước tới nay, nhiều người trong cán bộ của ta chưa thật mạnh dạn (trong tư duy và trong cả hành động), hay chúng ta còn ỷ lại, trông trờ vào cấp trên, cho nên tính sáng tạo, năng động của ta chưa được phát huy tối đa, cần thiết. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần đổi mới tư duy, năng động và sáng tạo nhiều hơn trong mọi công việc, kể cả cách xin được dự án, tài trợ, cách xã hội hoá và cách gì gì... nữa để “đem” được thật nhiều tiền, của, vật chất cũng như tinh thần, sự giúp đỡ về cho thư viện của mình (Xét trên bình diện cả nước, từ Trung ương đến cơ sở, chúng ta đã có nhiều bài học thành công lớn hoặc nhỏ về vấn đề này).

5./ Khả năng giao tiếp, văn hoá ứng xử.

     Giao tiếp trong thư viện chủ yếu là giao tiếp về tri thức và nghề nghiệp. Bạn đọc tới thư viện thường là những người có học, có trình độ văn hoá nhất định, vì thế đòi hỏi người cán bộ thư viện cần có cách giao tiếp cho phù hợp và ứng xử thật “văn hoá”. Chúng ta trao đổi, tư vấn, trò chuyện với độc giả cả khi đáp ứng được nhu cầu của họ hay cả cách từ chối những yêu cầu ấy, cũng đòi hỏi chúng ta phải có cách ứng xử sao cho hài hoà nhất, hợp lý nhất, tránh tình trạng để cho độc giả hiểu lầm về chúng ta. Xét về một khía cạnh nào đó, văn hoá trong thư viện cũng là văn hoá tri thức. Ở đây không diễn ra các hoạt động mua bán, kinh doanh, không có khái niệm lỗ, lãi. Thư viện của chúng ta là một môi trường văn hoá và cơ quan phục vụ (chủ yếu là phục vụ và cung cấp các sản phẩm thông tin - thư viện nhưng không có thu). Nhân viên thư viện được Nhà nước trả lương để tổ chức và hướng dẫn đọc, tra cứu tài liệu. Song không vì không có lợi nhuận mà chúng ta được phép thiếu tận tình, chu đáo với bạn đọc. Tôi rất tâm đắc và khâm phục khi đọc 8 điểm trong “Điều lệ về đạo đức đối với người làm công tác thư viện” do Hội Thư viện Mỹ ban hành vài năm trước đây; hay 21 điều “Quy định về tư thế và tác phong giao tiếp với bạn đọc áp dụng cho cán bộ Thư viện Quốc gia Bắc Kinh (Trung quốc)”.

     Tóm lại, trong thế kỷ 21- thế kỷ của nền kinh tế tri thức, của kỷ nguyên thông tin - người cán bộ thư viện phải là con người tâm huyết và yêu say nghề nghiệp, có sức khoẻ, có hoài bão và tri thức tổng hợp, có năng lực chuyên môn cao, sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ và thành thạo máy vi tính, luôn năng động và sáng tạo trong công việc, có kỹ năng giao tiếp tốt với độc giả và bạn đồng nghiệp, luôn có chí tiến thủ vươn lên .... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

     Và để cho những người ngoại đạo ít am hiểu về nghề thư viện, sẽ có một cách nhìn khác về chúng ta, không chỉ là công việc “lấy sách ra rồi cất sách vô”./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ thư viện, Bộ VHTTDL

 

 

Nhận xét