Ngày đăng bài: 14/06/2019 09:43
Lượt xem: 43538
Sách và văn hóa đọc cho thiếu nhi
Từ hàng ngàn năm nay đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống xã hội loài người, trong tiến trình văn minh của nhân loại. Đọc sách là một quá trình tiếp cận thông tin, tiếp nhận tri thức, nâng cao hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống xã hội, giúp con người có thêm kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống, lao động, học tập mặt khác nó cũng tác động

Đối với trẻ em, sự ảnh hưởng và tác động của sách báo so với người lớn còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trẻ em vốn dĩ như tờ giấy trắng, vẽ gì, viết gì lên đó là do chúng ta. Trong tâm hồn mỗi đứa trẻ đầy ắp trí tưởng tượng, tình yêu thiên nhiên, yêu con người...Việc nuôi dưỡng những cái trong trắng, tốt đẹp trong tâm hồn các em không chỉ là mong muốn mà còn là nghĩa vụ cao cả của những người làm cha, làm mẹ, đồng thời là những người mang một phần trách nhiệm trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho các em.

Trẻ em ngày nay say mê sử dụng các phương tiện nghe nhìn từ trò chơi điện tử phim ảnh trên truyền hình và internet. Các phương tiện nghe nhìn tỏ ra có ưu thế hấp dẫn tiện lợi hơn so với việc đọc sách và thực tế đôi lúc chúng còn có su hướng cạnh tranh lấn át văn hoá đọc. Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay việc hình thành thói quen đọc sách việc làm cho trẻ hứng thú đọc sách đã là một điều khó, song để sách báo thực sự trở thành những người bạn của trẻ còn khó hơn nhiều. Nhưng không phải cứ thấy khó mà không làm mà cần phải làm một cách cẩn trọng hơn để lôi cuốn trẻ đến với thế giới của sách, góp phần vào việc bồi dưỡng tri thức, giáo dục nhân cách, nâng cao thẩm mỹ cho những con người của thế hệ mai sau. Chúng ta sẽ không bao giờ làm được nếu không thực sự yêu trẻ và hiểu trẻ.

Trẻ em ngày nay, ngoài việc phải tiếp thu kiến thức từ phía nhà trường, chúng trở nên bận rộn hơn, bởi rất nhiều công việc từ sức ép thông tin và học thêm đủ thứ. Mặc dù rất ham đọc sách nhưng thời gian của trẻ ít, chúng phải đọc và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, vì thế mà không ít các em tìm đến với những truyện tranh có nhiều hình ảnh nhưng ít chữ và những chuyện tranh kiếm hiệp, bạo lực...được bày nhan nhản trong các hiệu cho thuê sách. Tình trạng xuất bản sách một cách tràn lan, nội dung không phù hợp, không có sự kiểm soát và chọn lọc kỹ đã tạo điều kiện cho những cuốn sách chứa đầy nội dung bạo lực, nhảm nhí xâm nhập vào tâm hồn trong trắng của các em.

http://thuviendienbien.gov.vn/admin/anhup/doc_sach_2.jpg

Sách cho các em ngày nay khá phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung và đẹp về hình thức. Tìm đến với sách các em có thể thoả mãn tính tò mò, trí tưởng tượng và sự ham hiểu biết, khám phá thế giới. Các em thích thú khi đọc những  câu chuyện cổ tích, thần thoại, đồng thoại. Đằng sau những cô Tấm trong quả thị, những nàng tiên, ông bụt là chân lý về cái thiện, cái ác, cách đối nhân xử thế và những giá trị tinh thần cao quý. Mặt khác, những trò chơi dân gian, những câu tục ngữ, ca giao, dân ca chứa đầy kinh nghiệm về thiên nhiên sống động đã giúp các em có được cảm giác mới lạ và sự nhận biết về thế giới xung quanh mình, giúp các em biết yêu, biết ghét. Xuất phát từ tính tò mò, khám phá sự thật và cuộc sống mà trong mảng sách giành cho các em không thể thiếu những cuốn sách khoa học. Thế giới khoa học luôn luôn là lĩnh vực chúng tìm kiếm và muốn biết nhiều điều. Tham gia vào việc giáo dục các em một cách toàn diện không thể không quan tâm đến nhu cầu được tiếp cận với sách báo và các ấn phẩm hội hoạ, âm nhạc, kịch...làm phong phú trí tưởng tượng, những xúc cảm, thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn và lòng tự hào dân tộc cho các em.

Nhu cầu đọc của các em rất đa dạng, nhưng cái chính là gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó có ngành thư viện cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng nhu cầu của các em để nâng cao chất lượng đọc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trẻ em ở nơi trung tâm, thành phố sách gần như bão hoà, trong khi ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sách vẫn là thứ thiếu thốn, xa lạ. Phải chăng cơ chế thị trường đã khiến cho sách tốt, sách hay không đến được với trẻ em nông thôn? Hay chính việc phổ biến và lưu hành sách chưa được làm một cách đến nơi đến chốn? Hay chúng ta còn thiếu sự đầu tư, thiếu sự quan tâm đến các em?

http://thuviendienbien.gov.vn/admin/anhup/Thieunhivoisach1.jpg

Để xây dựng một nền văn hoá đọc lành mạnh cho thiếu nhi cần sự tham gia của người lớn cụ thể các bậc phụ huynh, các nhà quản lý văn hoá, những người sáng tác. Vì thế vấn đề giáo dục trẻ em đọc sách không chỉ dừng lại ở gia đình nhà trường, mà thư viện đang dần trở thành nhà trường thứ 2 gúp nâng cao kiến thức và giáo dục các em trở thành những con người có ích cho tương lai của đất nước.

Vậy thư viện phải làm gì để lôi cuốn độc giả, đặc biệt là các em thiếu nhi và thanh thiếu niên đến với thư viện? với văn hoá đọc? Bên cạnh những yếu tố khách quan như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sức hấp dẫn của chương trình truyền hình, lịch học dầy đặc từ chính khoá đến ngoại khoá, sự quan tâm chưa đầy đủ và đúng mức của các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội, thì sự thụ động và buông xuôi của người làm công tác thư viện cũng sẽ góp phần vào sự thờ ơ với việc đọc sách, việc đến thư viện như một địa chỉ thân quen, gần gũi của các em. Để giúp trẻ yêu thích và ham mê đọc, trước hết phải có tác phẩm hay, hình thức thu hút, được chọn lựa kỹ trước khi ra mắt các em. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trách nhiệm trước hết là của đội ngũ những người sáng tác. Thúc đẩy quá trình đưa sách đến với các em không thể không quan tâm tới vai trò của hệ thống thư viện, tủ sách, cần củng cố, mở rộng và phát triển phong trào đọc sách báo của thiếu nhi, xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách thiếu nhi trong toàn tỉnh.

Hàng năm thư viện tỉnh tiếp nhận làm thẻ thư viện cho trên 800 em từ 7 đến 15 tuổi, trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, nhưng thư viện tỉnh đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong hoạt động chuyên môn, tổ chức các hoạt động trong và ngoài thư viện nhằm thu hút các em tới sử dụng thư viện và từng bước hình thành thói quen đọc sách cho các em. Hướng dẫn các em đọc sách không chỉ là nhu cầu giải trí mà còn có tác dụng nâng cao hiểu biết về nhiều mặt, nuôi dưỡng tâm hồn hình thành nhân cách đối vói lứa tuổi thiếu nhi. Mỗi ngày phòng mượn thiếu nhi đón khoảng hơn 200 em đến thư viện, hiện nay thư viện tỉnh chỉ có phòng mượn vừa là chỗ mượn trả sách và là kho chứa sách, chưa có phòng đọc sách báo thiếu nhi, các em chưa có một không gian riêng được bài trí đẹp, sinh động phù hợp với lứa tuổi để đọc sách, Thư viện mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của các em thiếu nhi.

Mong rằng trong một tương lai gần hệ thống thư viện trong toàn tỉnh sẽ có những bước tiến dài vững chắc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu học tập và giải trí của bạn đọc nói chung và sẽ mang đến cho thiếu nhi tỉnh Điện Biên một sân chơi giải trí và giáo dục bổ ích nói riêng./.

TH - Thư viện tỉnh Điện Biên