Ngày đăng bài: 10/03/2020 14:45
Lượt xem: 39324
Tấm ”Hộ chiếu” cho ngành thư viện Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới

Thư viện là thiết chế đã xuất hiện ở Việt Nam và trên thế giới từ lâu đời, gắn với lịch sử phát triển, tiến bộ của nhân loại. Đó là nơi thu thập, lưu giữ, xử lý, bảo quản tài liệu để bảo tồn và phổ biến tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thông tin và hưởng thụ văn hóa của công chúng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2001, đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp thư viện Việt Nam – nhất là gần 2 thập kỷ qua.. sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh Thư viện, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ, mạng lưới thư viện Việt Nam đã phát triển vượt bậc (cả về số lượng và chất lượng), từ Trung ương tới địa phương, với hơn 31.000 thư viện; gần 21.000 tủ sách, phòng đọc sách cơ sở; hơn 30 ngàn cán bộ.

Ngày 21/11/ 2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội hóa XIV, đã thông qua Luật Thư viện, Luật gồm 6 chương, 52 điều; quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện v.v.., có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. (Bố cục của Luật Thư viện gồm có: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Thành lập thư viện; Chương III: Hoạt động thư viện; Chương IV: Quyền, nghiã vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; Chương V: Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện và chương VI: Điều khoản thi hành).

Những điểm mới của Luật Thư viện (so với Pháp lệnh Thư viện năm 2000).

 

  1. Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập

Pháp lệnh Thư viện năm 2000 quy định hệ thống thư viện gồm 2 loại hình: Thư viện công cộng và Thư viện chuyên ngành, đa ngành. Luật Thư viện 2019 đã quy định, thư viện được tổ chức theo 2 mô hình: Thư viện công lập (do Nhà nước đầu tư) và Thư viện ngoài công lập (do tổ chức hoặc cá nhân thành lập). Như vậy là bên cạnh các thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, thì tại Điều 9 của Luật Thư viện, đã quy định loại hình thư viện ngoài công lập (do các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài thành lập). Đây cũng là điểm mới rất quan trọng trong chính sách xã hội hóa thư viện của Luật thư viện, để thu hút mọi nguồn lực (tổ chức & cá nhân trong xã hội) tham gia xây dựng, phát triển sự nghiệp thư viện nước ta trong bối cảnh hiện nay.

 

  1. Lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Lần đầu tiên, ngày 21/4 hàng năm được đưa vào Luật Thư viện trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (tại Điều 30), nhằm hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong cả nước..., thúc đẩy phát triển văn hóa đọc ở nước ta.

 

  1. Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện

Theo Pháp lệnh Thư viện năm 2000, chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện. Các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có quyền tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức. Luật Thư viện lần này đã mở rộng, xã hội hóa việc thành lập thư viện. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư (kể cả người nước ngoài) đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập, khi đáp ứng đủ các điều kiện do Luật Thư viện quy định (tại Điều 20 của Luật này).

 

  1. Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số

Thư viện số là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số, mà người sử dụng truy cập, khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện. Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

Có thể nói phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện hiện tại và tương lai, hướng tới phục vụ CMCN 4.0 là một trong những điểm sáng của Luật Thư viện lần này. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá tính cập nhật/hiện đại của Luật thư viện, nhằm hướng tới việc điều chỉnh những nội hàm/những vấn đề mà ngành thư viện Việt Nam đã và đang phải hướng đến, phải giải quyết, nếu không muốn tụt lại phía sau, so với khu vực & thế giới.

 

  1. Đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện

Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật Thư viện, nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Luật Thư viện cũng đã nhấn mạnh liên thông giữa các thư viện phải phù hợp với quy mô và đối tượng phục vụ nhằm bảo đảm sự liên thông trong tra cứu thông tin thay vì quy định chung chung như trước. 

 

  1. Định kỳ hàng năm đánh giá hoạt động thư viện

Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Thư viện 2000, theo đó, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với tất cả các loại thư viện, (kể cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập), nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện và nâng cao hoạt động thư viện. Như vậy, định kỳ hàng năm tất cả các thư viện đều phải đánh giá hoạt động theo Tiêu chuẩn quốc gia về Bộ chỉ số văn hóa hoạt động thư viện.

 

Chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện

Luật Thư viện đã quy định cụ thể, rõ nét chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện. Theo đó, (tại Điều 5), Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập các nội dung sau: Ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện. 

Luật cũng quy định Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung sau: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì, phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; hợp tác quốc tế về thư viện. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy định tại khoản 1; khoản 2 Điều này. Chính phủ quy định chi tiết về thư viện có vai trò quan trọng được ưu tiên đầu tư quy định tại điểm a, khoản 1; tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học quy định tại điểm c, khoản 1, Điều này.

Về quản lý nhà nước về thư viện, Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thư viện (điểm c khoản 2 Điều 48 và Điều 49 v.v...).

Có thể nói, Luật Thư viện được Nhà nước ban hành, sẽ là tấm ”Hộ chiếu” để ngành thư viện Việt Nam chúng ta vững bước đồng hành cùng đất nước trong những thập niên của thế kỷ 21, phục vụ hiệu quả cho tiến trình CNH-HĐH đất nước; vì một ”Tổ quốc Việt Nam hùng cường, giàu mạnh và giàu bản sắc văn hóa”./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội thư viện VN