Ngày đăng bài: 19/08/2011 10:57
Lượt xem: 201793
Giới thiệu chung về tỉnh Điện Biên

       Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vị trí chiến lược an ninh, quốc phòng của cả khu vực miền Tây Bắc. Có diện tích tự nhiên là 9.541,25 km2; gồm 10 đơn vị hành chính: 1 thành phố ( TP Điện Biên Phủ), 1 thị xã (TX Mưòng Lay), 8 huyện (huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà, huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Tủa Chùa và huyện Tuần Giáo).

     Dân số toàn tỉnh tính đến năm 2020 là 613.480 người, mật độ dân số là 60,44 người/kmgồm 19 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 37,99 %, dân tộc Mông chiếm 34,8 %, dân tộc Kinh chiếm 18,42 %, dân tộc Khơ Mú 3,3%, còn lại là các dân tộc khác.

     Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Trung Quốc và Lào dài 455,573 km, trong đó đường biên giới tiếp giáp với Lào dài 414,712 km; với Trung Quốc dài 40,681 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trên các tuyến biên giới có cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc; cửa khẩu chính Huổi Puốc - Na Son; cửa khẩu phụ Si Pa Phìn - Huổi Lả; lối mở A Pa Chải - Long Phú. 

     Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường, phân hoá đa dạng,ít chịu ảnh hưởng của bão, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóngĐiện Biên nằm ở khu vực đầu nguồn 3 con sông lớn của cả nước là: Sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông.

     Trong đó: Sông Đà ở phía Bắc tỉnh (giáp với tỉnh Lai Châu mới) bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay, hệ thống sông Mã có các phụ lưu chính là sông Nậm Khoai (huyện Tuần Giáo) và sông Nậm Mạ (huyện Điện Biên), hệ thống sông Mê Kông với các nhánh chính là sông Nậm Rốm, Nậm Núa. Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ Bắc huyện Điện Biên qua thành phố Điện Biên Phủ - Pa Thơm (huyện Điện Biên) rồi chảy sang Lào. Sông Nậm Núa bắt nguồn từ Mường Nhà chảy theo hướng Nam - Bắc sau đó chuyển sang hướng Đông - Tây và gặp sông Nậm Rốm ở lòng chảo Điện Biên rồi chảy sang Lào.

     Nói tới Điện Biên là nói tới một địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cùng với các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc của các dân tộc cùng các danh thắng, đã tạo cho Điện Biên có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn và là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt Điện Biện có tài nguyên du lịch tự nhiên khá lớn. Được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng, nhiều sông, hồ và những cảnh quan đẹp... Các tài nguyên du lịch tự nhiên quan trọng ở Điện Biên phải kể đến: hồ Pa Khoang, rừng nguyên sinh Mường Nhé, Mường Toong, rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, động Thẩm Púa, những thác nước trong mát, những cảnh quan tự nhiện kỳ vĩ và tương lai không xa còn có hồ thủy điện Sơn La... Đây là những điều kiện lý tưởng để Điện Biện phát triển các loại hình du lịch đa dạng và hấp dẫn.

     Điện Biên có nhiều di tích lịch sử, tiêu biểu là các di tích như: Tháp Mường Luân, một công trình văn hoá từ thế kỷ 16 ở Điện Biên, thành Tam Vạn, thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất…. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ cát), đã được Chính Phủ Việt Nam ưu tiên khoanh vùng bảo tồn, đầu tư phục hồi là những tài sản vô cùng quý giá để khai thác phát triển du lịch lịch sử.

     Đáng lưu ý, Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 19 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, hiện nay vẫn còn giữ được các phong tục tập quán vốn có, những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc như: thiết chế Bản mường của người Thái dựa trên lãnh thổ công, thiết chế dòng họ của người Mông...; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng Tây Bắc... là những tài nguyên du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là các du khách quốc tế. Thêm vào đó, tinh thần mến khách và lòng nhiệt thành của con người Điện Biên cũng là nền tảng vững chắc cho ngành du lịch phát triển.

     Bên cạnh các tiềm năng du lịch trong nội tỉnh, với vị trí địa lý khá đặc biệt, Điện Biên có thể mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước, đặc biệt là liên kết với cố đô Luông Prabang của Lào và tỉnh Vân Nam Trung Quốc để hình thành tour du lịch hấp dẫn qua các cửa khẩu trên địa bàn.

     Ngoài ra, tỉnh Điện Biên còn có lợi thế lớn về tiềm năng đất đai, tiềm năng lớn về rừng; tài nguyên khoáng sản cũng được đánh giá là đa dạng về chủng loại. Bên cạnh đó, Điện Biên đang khai thác đường bay Điện Biên - Hà Nội với tần suất 2 chuyến bay/ ngày.