Ngày đăng bài: 19/06/2019 15:23
Lượt xem: 18494
Công tác sưu tầm và số hoá tài liệu địa chí của thư viện tỉnh Điện Biên
Trong những năn gần đây các thư viện công cộng Việt Nam chủ yếu là các thư viện tỉnh đang từng bước chuyển dần từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử. Việc sử dụng và phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực thư viện đã trở thành phổ biến và được coi là tiêu chí của thư viện hiện đại. Công nghệ thông tin đã và đang phát triển nhanh chóng, đa dạng, được sử dụng như một công cụ và phươn

Việc ứng dụng công nghệ thông tin thư viện bước đầu đáp ứng sự  thay đổi hoạt động của thư viện mang tính hiện đại hoá, tự động hoá, từ hoạt động mang tính khép kín sang hoạt động mang tính chia sẻ, hợp tác, tiến tới làm thay đổi căn bản hoạt động của thư viện nhằm biến thư viện thành trung tâm thông tin khoa học của từng ngành kinh tế, xã hội, địa phương, của từng vùng lãnh thổ. Một trong những hoạt động để hình thành vốn tài liệu điện tử/tài liệu số được các thư viện công cộng quan tâm thực hiện là số hoá các tài liệu quý hiếm, mục đích của số hoá là tăng cường sự truy cập đến đến tài nguyên thông tin, cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dùng tin giảm việc tiếp súc trực tiếp đến những tài nguyên quý, hiếm, tài liệu cổ hoặc được sử dụng nhiều, tạo ra bản sao lưu trữ, cho phép cơ quan phát triển hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng của nhân viên, phát triển khả năng chia sẻ tài nguyên thông tin.

Công tác địa chí là công tác đặc thù của một thư viện cấp tỉnh, thành phố, có chức năng thu thập, sưu tầm và tàng trữ tài liệu liên quan đến địa phương, thông tin tài liệu địa chí, phục vụ bạn đọc tìm hiểu nghiên cứu toàn diện về địa phương. Thông qua các tài liệu địa chí có trong thư viện, những cán bộ làm công tác địa chí có thể biên soạn những tài liệu địa chí phục vụ sâu hơn theo các chuyên đề về địa phương góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Để tìm hiểu một cách toàn diện về một vùng đất không gì thay thế được việc nghiên cứu các tài liệu địa chí- nguồn lực thông tin địa phương hữu ích.

Trong nhiều năm qua công tác địa chí đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế  văn hoá xã hội của địa phương: Số lượng bạn đọc tăng đáng kể, nếu như năm 2011 mới chỉ có khoảng trên 50 lượt bạn đọc thì đến năn 2012,2013,2014 mỗi năm tăng trên 100 bạn đọc, đặc biệt trong các dịp đại lễ kỷ niệm số lượng bạn đọc đã lên tới con số trên 200. Có một điểm khác biệt của phòng phục vụ đọc người lớn là độc giả phòng địa chí tuy số lượng bạn đọc ít nhưng số lượt tài liệu phục vụ lại khá cao, bình quân mỗi nhu cầu bạn đọc trong một lần đến thư viện sử dụng khoảng 8 lượt tài liệu, người sử dụng ít nhất từ 3 đến 5 tài liệu.

Có thể nhận thấy vai trò quan trọng của tài liệu địa chí không chỉ mang ý nghĩa đơn giản là di sản văn hoá của dân tộc của nhân loại mà nó còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương. Bởi vậy việc tìm ra các giải pháp tối ưu nhất cho việc lưu trữ bảo tồn vốn tài liệu nguồn lực thông tin luôn là vấn đề được nhiều quốc gia nhiều địa phương quan tâm và một biện pháp hữu hiệu được đưa ra là số hoá tài liệu địa chí. Bên cạnh đó nguồn tài liệu quý hiếm đa phần là những tài liệu có tuổi thọ rất cao, để tài liệu được lưu giữ lâu hơn, được chia sẻ đến nhiều người hơn thì phải số hoá tài liệu. Số tài liệu truyền thống này nếu đem phục vụ rộng rãi cho nhiều đối tượng, cho nhiều người sử dụng thì khả năng hư hao tài liệu rất nhanh và rất lớn hiệu quả lại không cao, chúng ta chỉ phục vụ một người ngay tại cùng một thời điểm.

Điện Biên là một tỉnh miền núi phía Bắc của tổ quốc, là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, vị thế đó đã thu hút được rất nhiều các nhà trí thức, các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước. Điện Biên được bạn bè quốc tế biết đến không chỉ là cảnh đẹp hùng vĩ, nơi có nhiều dân tộc sinh sống gắn liền với những tập quán, những nét văn hoá độc đáo rất riêng mà còn vì đây là mảnh đất đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng của một dân tộc mà tầm vóc của nó đã vượt ra khỏi biên giới của một Quốc gia, làm chấn động địa cầu. Ngoài ra với lợi thế về cảnh quan môi trường nên hàng năm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Vì vậy nhu cầu  tìm hiểu về mảnh đất lịch sử Điện Biên là rất lớn.

Thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh Điện Biên các loại tài liệu địa chí gồm nhiều loại tài liệu khác nhau, nhiều chất liệu khác nhau, số tài liệu có giá trị hiện còn lưu giữ trong nhân dân, nằm rải rác ở các gia đình dòng họ hiện đang có nguy cơ hư hỏng và mất mát khá cao, ngoài một số thất lạc, bị cháy trong chiến tranh, hư hỏng do thiên tai đã không ít thư tịch cổ bị mối mọt một cách đáng tiếc vì không có điều kiện bảo quản, nguyên nhân chủ yếu do kiến thức và điều kiện cơ bản để bảo quản nguồn tài liệu này và cũng do yếu tố thời gian, thời tiết, thiên tai. Tài liệu được bảo quản trong các tủ sách gia đình không dủ điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm và cũng không đủ điều kiện để phổ biến rộng rãi đến mọi người. Dù vậy các chủ sở hữu vẫn chưa có ý tặng, bán, gửi vào thư viện với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều bộ sách quý hiếm các văn bản, thư tịch cổ, còn nằm ở các cá nhân, các kho lưu trữ của các thư viện khác nhau có địa chỉ cụ thể nhưng điều kiện của thư viện Điện Biên cũng không có kinh phí để mua hoặc photocopy. Như vậy các loại tài liệu địa chí với nhiều chất liệu khác nhau của tỉnh Điện Biên đang đặt trước nhiều thách thức lớn của sự tồn vong bởi thời gian, ý thức trách nhiệm của con người. Số hoá tài liệu địa chí là một giải pháp tối ưu trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp vừa bảo quản lưu giữ lâu dài được tài liệu gốc vừa phổ biến đến cộng đồng là điều thật sự cấp thiết hiện nay.

Số hoá tài liệu địa chí - bộ sưu tập số tạo ra một môi trường mở, linh hoạt và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người đều có thể sử dụng nguồn tài liệu địa chí một cách thuận lợi, không bị giới hạn về không gian, thời gian, không phụ thuộc vào số người sử dụng, giữa thành thị và nông thôn, các nhóm bạn đọc/người dùng tin là các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý thường có ít thời gian đi lại và cũng không có điều kiện đến thư viện đọc tài liệu chỉ cần ở tại chỗ mà vẫn có thể tiếp cận được tài liệu/ thông tin mình cần. Một hiệu quả khác của số hoá tài liệu địa chí tiết kiệm được diện tích sử dụng, thời gian và kinh phí không chỉ đối với cơ quan thông tin – thư viện mà ngay cả đối với bạn đọc: thư viện đỡ tốn kinh phí xây dựng kho tàng, bảo quản và giảm bớt kinh phí trả lương cho người phục vụ.

Tỉnh Điện biên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do thiếu kinh phí, trình độ và thiết bị công nghệ, do việc số hoá phụ thuộc nhiều vào kinh phí, hạ tầng cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật nói riêng (máy tính, máy quét quang học…) vào phần mềm…nên tài liệu địa chí quý hiếm và những hình ảnh âm thanh về địa phương chưa được thực hiện số hoá. Căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển hoạt động thông tin địa chí của tỉnh Điện Biên, cũng như căn cứ vào những điểm tồn tại về nguồn vốn, về bộ máy tra cứu, về công tác phục vụ, Thư viện tỉnh Điện Biên đã và đang áp dụng những giải pháp cụ thể để phát triển vốn tài liệu địa chí và ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý tài liệu địa chí

Để hoạt động số hoá tài liệu địa chí của địa phương có hiệu quả, tránh thất thoát nhằm mục đích bảo quản và phục vụ rộng rãi công chúng cần có một chính sách cụ thể, phải tiến hành khảo sát xác định tài liệu địa chí có giá trị, vận động thuyết phục cá nhân và các gia đình, các cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội hiến tặng, ký gửi vào lưu trữ lịch sử tỉnh, có sự thoả thuận sao chép, lập bản sao và bảo hiểm đối với tài liệu ký gửi. Xây dựng cơ chế định giá, mức phí đối với việc sử dụng số hoá. Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí kỹ thuật trong việc số hoá tài liệu địa chí.

Để tăng cường vốn tài liệu địa chí cần xây dựng một kế hoạch bổ sung, đảm bảo cơ cấu tài liệu hợp lý. Phải điều tra và xác định rõ các nhu cầu thông tin của cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và các nhu cầu thông tin kinh tế - xã hội như cải cách hành chính, quy hoạch đô thị và các vùng sản xuất nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, các ngành nghề sản xuất hàng hoá, thị trường lao động, nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp, thông tin về sản phẩm, những biến đổi về mặt tài chính, thương mại du lịch....Định  hướng chính sách bổ sung tài liệu địa chí cũ và mới bằng các biện pháp tạo nguồn mới (về cơ cấu  nội dung, loại hình tài liệu và các vật mang tin khác) thích ứng với nhu cầu xã hội, tạo lập một nguồn lực thông tin chủ động và kịp thời, chú ý kết hợp sử dụng tài liệu sở hữu tại chỗ với các nguồn tài liệu ở nơi khác trên quan điểm mở. Bên cạnh việc lựa chọn sách viết về Điện Biên, cán bộ phòng địa chí và phòng bổ sung cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch khảo sát, tìm hiểu nắm vững được những kế hoạch xuất bản để đặt mua hoặc xin tài trợ. Cần khai thác tích cực nguồn tài liệu nộp lưu chiểu thông qua Phòng quản lý thông tin xuất bản báo chí của Sở Thông tin và truyền thông.

Các đề tài nghiên cứu khoa học sau khi được đánh giá, nghiệm thu và làm thủ tục về sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Điện Biên) cần được lưư trữ và khai thác tại Thư viện tỉnh Điện Biên. Nếu Thư viện tỉnh Điện Biên được tiếp nhận những tài liệu này, sau khi được sắp xếp khoa học, bổ sung thư mục và số hoá chắc chắn nhiều tổ chức, cá nhân sẽ thoả mãn việc đọc, tìm hiểu những vấn đề đã được các nhà khoa học nghiên cứu, kết luận để áp dụng vào lĩnh vực hoạt động của mình. Đây chính là sự khai  thác, phát huy giá trị các công trình nghiên cứu khoa học, một sự kế thừa những thành tựu của các thế hệ tri thức đi trước vào điều kiện, hoàn cảnh của cuộc sống hôm nay. Hiện nay trong cơ cấu vốn tài liệu địa chí, tài liệu điện tử chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thực tế hiện nay, các loại hình tài liệu về Điện Biên rất đa dạng: Phim thời sự, phim tài liệu cũ về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, các bài phóng sự truyền hình... đều có thể sang thành đĩa CD hoặc băng Video...rất tiện lợi cho việc lưu trữ và phục vụ. Đây là nguồn tài liệu khá dồi dào để thư viện lập kế hoạch thu thập.

Bên cạnh việc sưu tầm, thu thập, bổ sung các tài liệu mới, tài liệu quý hiếm, để tăng cường và phát huy vốn tài liệu địa chí của mình, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thư viện - thông tin nói chung và hoạt động thông tin địa chí nói riêng, thư viện tỉnh Điện Biên cần có một đội ngũ cán bộ vừa có phẩm chất chính trị nghề nghiệp vững vàng. Đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin được coi là vấn đề cơ bản, làm thay đổi về chất toàn bộ hoạt động của thư viện- thông tin thì những phẩm chất nghề nghiệp liên quan đến sử dụng máy vi tính để xử lý, khai thác và phổ biến thông tin là những phẩm chất rất quan trọng đối với cán bộ thư viện - thông tin và cán bộ làm công tác địa chí. Bên cạnh những phẩm chất nghề nghiệp chính trên, cán bộ thư viện địa chí cũng không thể thiếu những phẩm chất khác như: kiến thức lịch sử, trình độ ngoại ngữ, khả năng biên tập, khả năng tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin địa chí, đặc biệt phải có lòng yêu nghề.

Thư viện tỉnh Điện Biên cần phải  được đầu tư tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hợp tác và chia sẻ nguồn vốn tài liệu địa chí là giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất theo các hướng: ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập địa chí bằng cách sử dụng máy tính và hệ thống mạng để tra cứu tìm kiếm thông tin về sự tồn tại của tài liệu địa chí; để liên lạc, trao đổi, đàm phán để thu tài liệu địa chí khi biết được địa chỉ. Trong trường hợp không thu được bản gốc, có thể dùng công nghệ thông tin để thu bản điện tử qua chức năng truyền tệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo quản tài liệu địa chí bằng cách chuyển dạng tài liệu địa chí sang dạng tài liệu địa chí điện tử.

Trang thông tin điện tử Thư viện Điện Biên bắt đầu được hoạt động vào cuối năm 2013 thông qua cổng thông tin của Thư viện tỉnh Điện Biên wwwthuviendienbien.gov.vn với số lượng tài liệu số về địa chí (tính đến cuối tháng 9/2015) trên 130.000 trang tài liệu số, cung cấp một nguồn thông tin hữu ích và đáng kể về một miền đất huyền thoại thơ mộng giàu tiềm năng. Cơ sở dữ liệu này cho phép tất cả mọi người có thể truy nhập thông tin từ xa miễn phí thông qua trang điện tử của thư viện. Tài liệu toàn văn trên 200.000 trang được số hoá và tổ chức ở dạng thư mục. Thư mục sẽ được bổ sung và cập nhật thường xuyên với các chủ đề kinh tế chính trị văn hoá xã hội lịch sử…

Trong điều kiện chưa được bố trí kinh phí để số hoá tài liệu, từ năm 2013 đến nay đơn vị đã tập trung và khẩn trương tiến hành số hoá tài liệu nhằm mục đích tạo lập một bộ sưu tập số phục vụ bạn đọc/ người dùng tin. Trong khi chờ dự án thư viện điện tử do các cơ quan cấp trên phê duyệt, bằng phương pháp thủ công, tài liệu sau khi được scan, chụp từng trang trên máy ảnh số được sử dụng trên một số phần mềm xử lý như Photosop, phần mềm chuyển đổi Acrobat 8 Professional, phần mềm nhận dạng tiếng Việt VnDocr 4.0 Pro nhằm chuyển đổi từ định dạng ảnh JPG sang dạng pdf để người dùng tin có thể tìm kiếm ở dạng toàn văn. Để thuận tiện cho việc phục vụ bạn đọc khai thác thông tin trên trang điện tử của thư viện được thuận lợi và hiệu quả, Thư viện tỉnh Điện Biên áp dụng hai hình thức: Sử dụng trực tiếp tại tại phòng máy tính của thư viện, việc làm này đòi hỏi độc giả phải đến trực tiếp tại thư viện  để đọc và tra cứu; Sử dụng tại nhà thông qua đường truyền internet, việc làm này có ưu điểm là độc giả không cần phải đến thư viện nhưng vẫn có thể truy cập để tìm tin của Thư viện tỉnh Điện Biên bất kể vào thời gian nào.  

Tài liệu địa phương là tài liệu mang giá trị lịch sử lâu dài đối với từng địa phương, phản ánh mọi mặt của đời sống văn hoá kinh tế xã hội từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Việc giữ gìn bảo quản phục vụ rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân nhằm tuyên truyền niềm tự hào, truyền thống của tỉnh là trách nhiệm to lớn của hệ thống thư viện. Vì vậy việc số hoá vì mục đích bảo quản và mở rộng truy nhập cũng nhằm mục đích bảo đảm được tài liệu gốc mang tính lâu dài và cấp thiết. Với mục đích trên, theo kế hoạch phát triển và phương hướng hoạt động  từng năm, cơ sở hình thành ý tưởng và phát triển việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường dịch vụ điện tử, nâng cấp các chức năng đã tự động hoá và mở rộng qua các chức năng khác đặc biệt là lĩnh vực biên soạn sản phẩm thông tin và cung cấp dịch vụ thông tin, xem xét bổ sung các phân hệ mới trong phần mềm quản lý thư viện với việc ưu tiên phát triển và bảo quản vốn tài liệu địa chí, giới thiệu tài liệu nói về Điện Biên cho bạn đọc /người dùng tin và ra các tỉnh thành trong cả nước là một nhiệm vụ rất quan trọng và trọng tâm. Tuy nhiên để thực hiện được nhiệm vụ chung lớn lao đó rất cần những sự ủng hộ từ phía các cơ quan chủ quản, các cơ quan thông tin và bạn bè trong khu vực.

Nhận thức được vai trò của thông tin trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước tình hình thực tế của Thư viện tỉnh và nhu cầu độc giả cũng như chức năng nhiệm vụ bảo quản thư tịch của địa phương, với ý chí khắc phục khó khăn, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu tìm tòi sáng tạo, trong thời gian qua thư viện tỉnh Điện Biên đang tận dụng những nguồn lực, tiềm năng và khả năng có thể, để bảo tồn lưu giữ những nguồn tài liệu quý hiếm cung cấp các sản phẩm thông tin, những nguồn tài nguyên số hoá có giá trị. Mặc dù chưa được sự hỗ trợ nhiều của các cấp các ngành, nhưng đã thay đổi được cách nhìn cũng như sự đồng thuận ủng hộ của các cấp lãnh đạo, thư viện tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện số hoá tài liệu địa chí trong kho đồng thời thu thập các nguồn tài liệu khác, hy vọng đáp ứng được nhu cầu tìm tin của bạn đọc, góp phần phục vụ bảo tồn di sản Văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên./.

TH - Thư viện tỉnh Điện Biên